Từ tháng
10/2014, sau khi hàng trăm ngàn ảnh chụp riêng tư, hàng chục ngàn đoạn phim
riêng tư cùng thông tin cá nhân của người dùng Snapchat (tên đăng nhập và số
điện thoại) bị phô bày trên Internet, khả năng bảo mật thông tin của Snapchat
trở thành một dấu hỏi lớn. Snapchat luôn khẳng định không lưu giữ tin nhắn của
người dùng trên máy chủ, điều đó dù đúng vẫn trở nên vô nghĩa trong thực tế.
Khi tìm kiếm những phương tiện khác, đáng tin hơn, người dùng Snapchat, phần
lớn thuộc giới trẻ, bắt đầu làm quen với ứng dụng miễn phí Wickr (đọc như "wicker") trên
thiết bị di động dùng hệ điều hành iOS (iPhone/iPad) hoặc Android. Gần đây,
Wickr cũng hiện diện trên máy tính cá nhân (dùng hệ điều hành Windows, Mac OS hoặc
Linux).
Wickr xuất
hiện lần đầu trên iPhone vào giữa năm 2012, vừa giống Snapchat, vừa giống
WhatsApp hoặc Viber. Trước khi được giới trẻ "khám phá", Wickr dường
như chỉ là phương tiện liên lạc của những người đứng tuổi cẩn thận, những người
đặc biệt quan tâm đến việc giữ kín thông tin cá nhân trên Internet.
Không chỉ
vì câu chuyện rủi ro của Snapchat, số người dùng Wickr tăng mạnh trong những
tháng cuối năm 2014 có lẽ còn do Wickr xuất hiện trên điện thoại của...
"nữ hiệp" xinh đẹp trong đoạn phim ca nhạc Black Widow của ca sĩ Iggy Azalea với hàng trăm
triệu lượt xem trên YouTube!

Cũng như
Snapchat, Wickr cung cấp dịch vụ tin nhắn
tự hủy. Người gửi và người nhận tin nhắn tự hủy phải là người dùng Wickr. Người
nhận tin nhắn phải chạm tay vào màn hình để giữ nội dung muốn xem (nếu buông
tay, tin nhắn biến đi). Tin nhắn Wickr có thể kèm theo âm thanh, hình ảnh, đoạn
phim, thậm chí cả tài liệu PDF. Người dùng có thể tùy ý quy định "thời
gian sống" của tin nhắn từ ba giây đến sáu ngày.
Để ngăn
người nhận lưu giữ tin nhắn bằng cách chụp ảnh màn hình, Wickr đòi hỏi người
nhận phải giữ yên tay khi xem. Nếu người dùng lay động thiết bị đôi chút khi
nhấn nút chụp ảnh, Wickr lập tức cho tin nhắn biến đi.
So với Snapchat,
điều khác biệt lớn nhất của Wicker là việc chuyển đổi toàn bộ thông tin thành
mật mã. Ngay khi tin nhắn được tạo ra, khóa mật mã được phát sinh và chỉ dùng
trong một lần gửi. Tin nhắn được truyền đi ở dạng mật mã. Với giải thuật mật mã
của Wickr, mật mã chỉ giải được trên thiết bị của người nhận. Nico Sell - người
sáng lập, giám đốc điều hành Wickr - khẳng định máy chủ Wickr không thể giải
mật mã để đọc nội dung tin nhắn vì không có khóa mật mã. Máy chủ Wickr cũng
không lưu giữ tin nhắn, không ghi nhận ai gửi cho ai. Sell nhấn mạnh: Nếu như
cơ quan an ninh của chính phủ Mỹ gây áp lực, đòi hỏi Wickr phải cung cấp dữ
liệu tin nhắn của người dùng, Wickr sẽ không có gì để cung cấp.
Do nội dung
tin nhắn trở thành mật mã ngay trên bộ nhớ của thiết bị, các ứng dụng khác trên
cùng thiết bị không có khả năng đọc dữ liệu của Wickr. Để hủy tin nhắn, Wickr
ghi đè tin nhắn trên bộ nhớ nhiều lần bằng dữ liệu ngẫu nhiên. Sell cam kết:
Wickr áp dụng tiêu chuẩn bảo mật ngang với lĩnh vực quân sự, Wickr là trình
nhắn tin tối mật (top secret messenger).
Khẳng định
của Sell có cơ sở nhất định. Khác với nhóm sáng lập trẻ trung của Snapchat,
Sell và nhóm sáng lập Wickr đều là chuyên viên ở tuổi trung niên, từng làm việc
lâu năm trong lĩnh vực mật mã. Dường như muốn xóa ấn tượng "Snapchat của
người đứng tuổi" mà giới truyền thông gán cho Wickr, Sell kể rằng cô sáng
lập Wickr để con gái mình và bạn bè ở tuổi thiếu niên có được một phương tiện
giao tiếp tốt hơn Facebook, không đánh mất quyền sở hữu thông tin cá nhân.
Khi nhà báo
Meghan Kelly (trang công nghệ VentureBeat) hỏi Sell rằng có thể nêu những lý do nào để
thuyết phục cô em họ 14 tuổi của mình dùng Wickr, Sell đáp: "Bạn có thể nói với cô ấy rằng giới trẻ
sành điệu đang dùng Wickr thay cho Snapchat vì Wickr có nhiều chức năng thú vị
hơn. Cô ấy có thể gửi tin nhắn, lời nhắn ghi âm, kèm theo ba ảnh chụp hoặc đoạn
phim 30 giây ghi trực tiếp từ ống kính hoặc lấy từ thư mục chứa ảnh của thiết
bị. Vì có thể gửi ảnh từ thư mục chứa ảnh, cô ấy có thể chỉnh sửa ảnh selfie
cho đẹp hơn trước khi gửi".
Rất kín đáo
trong cuộc sống đời thường, không hề dùng Facebook cũng như Twitter và không
bao giờ chụp ảnh selfie, Sell là
người có tiếng tăm trong giới hacker mũ
trắng (white-hat hacker), là người tổ chức hội thảo Def Con, một trong
những hội thảo lớn nhất thế giới của giới hacker.
Sell còn thành lập một học viện dành riêng cho trẻ em mang tên Rootz Asylum,
nhằm dạy cho trẻ em kiến thức cơ bản để trở thành hacker, dạy cho trẻ em văn
hóa hacker. Tại học viện Rootz Asylum, trẻ em được học cách... nghe trộm
điện thoại, cách bật/tắt máy thu hình (TV), bật/tắt ống kính ghi hình trên các
thiết bị ở xa, chẳng hạn, thiết bị của... nhà hàng xóm.
Sell cho
rằng trẻ em cần tích lũy dần kiến thức về mật mã và những phương pháp xâm nhập
hệ thống thông tin để hiểu biết những hạn chế của việc bảo mật thông tin, không
đặt lòng tin thiếu cơ sở vào các loại dịch vụ trên Internet và có ý thức mạnh
mẽ về việc bảo vệ quyền riêng tư. Sell cũng muốn trẻ em làm quen với phong cách
hacker, chơi thể thao giỏi như hacker, không nhiễm định kiến sai lầm
(thường do điện ảnh tạo dựng) rằng giới hacker
là mấy anh béo phì suốt ngày ngồi ôm máy tính trong tầng hầm!
Sell luôn
cảnh giác với mọi tình huống xâm phạm quyền riêng tư, đến mức gần như một nỗi
ám ảnh. Trên đường phố, cô có chiếc nón rộng vành đủ che một phần khuôn mặt.
Khi diễn thuyết, khi trả lời phỏng vấn, Sell luôn đeo kính râm. Sell dán băng
keo ngang qua ống kính ghi hình trên mọi thiết bị của mình. Những khi không
dùng điện thoại, cô đặt điện thoại vào lồng Faraday để cản sóng điện từ. Giới
truyền thông không có cách nào để biết "Nico Sell" có phải là tên
thật của cô hay không.

Nico Sell - người sáng lập Wickr.
Sell luôn
kêu gọi mọi người không nhân nhượng với việc xâm phạm quyền riêng tư đang có
chiều hướng gia tăng. Sell giải thích rõ rằng cô không nghĩ những người sáng
lập các mạng xã hội là người xấu, nhưng mô hình kinh doanh của họ đòi hỏi phải
thu thập mọi loại thông tin từ người dùng để định hướng quảng cáo. Họ đã kiếm
tiền bằng cách xâm phạm các quyền riêng tư của người khác. Sell khẳng định cô
có biết một số vụ ngã giá mua bán thông tin người dùng.
Sell mong
muốn mọi người cẩn trọng, không trao dữ liệu cá nhân cho các dịch vụ trên mạng:
"Các mạng xã hội, Facebook chẳng
hạn, đòi hỏi bạn phải khai báo ngày sinh khi gia nhập. Nhưng tại sao bạn phải
khai báo ngày sinh thật? Nếu tôi biết ngày sinh, nơi sinh của bạn, tôi có cơ
hội đến chín mươi phần trăm để đánh cắp thông tin tài chính của bạn. Bạn cần
nhớ rằng các dịch vụ trên mạng không có quyền đòi hỏi bạn phải cho biết thông
tin thật về mình. Thông tin về vị trí cũng rất quan trọng. Con gái tôi có lần
vô tình đưa ảnh của chú chó trong nhà lên Instagram trong chế độ mặc định, nhờ
đó Instagram ghi nhận vị trí chụp ảnh. Nếu vị trí của bạn được ghi nhận kèm
theo những gì bạn đưa lên mạng, thật dễ dàng cho kẻ xấu nhận biết thói quen di
chuyển của bạn và xác định được thời điểm để đột nhập vào nhà bạn".
Với nhận
thức như vậy, Sell không theo đuổi mô hình kinh doanh dựa vào quảng cáo, dựa
vào việc thu thập thông tin người dùng. Từ Wickr, Sell có tham vọng thiết lập
công nghệ truyền tin bảo mật tốt nhất trên Internet để cung cấp cho các dịch vụ
tài chính. Với giải thưởng 100.000 USD cho người có thể chỉ ra điểm yếu của
Wickr, Sell đã đặt cược cho công nghệ của Wickr.
Không thể
có sự an toàn trăm phần trăm. Chắc chắn Sell cùng nhóm sáng lập Wickr không thể
không hình dung trước các "kịch bản" khả dĩ khi những phần trăm không
an toàn của Wickr bất ngờ trở thành hiện thực.
NGỌC GIAO