Từ
năm 2009, những đêm nhạc sôi động của Miku được tổ chức tại nhiều nơi ở Nhật
Bản. Người hâm mộ dành cho Miku tình cảm cuồng nhiệt dù họ biết rõ cô hoàn toàn
không có thực. Miku chỉ là sản phẩm của công nghệ số.

Hatsune
Miku
Trong tuần "Liên hoan nhạc nhẹ Nhật Bản 2010"
(J-Pop Summit Festival 2010) tại San Francisco, trên đường phố của khu
Japantown, người đi đường dễ dàng nhận ra những thiếu nữ Nhật hóa trang thành
Hatsune Miku: hai đuôi tóc dài màu xanh
ve, váy ngắn, vớ ngang đùi, giầy bốt đen bóng.
Trong khuôn khổ của liên hoan, ngày 18/9/2010, buổi diễn đầu
tiên tại Mỹ của Miku được tổ chức trong rạp VIZ Cinema (rạp chiếu phim Nhật). Mở
đầu chương trình, Hiroyuki Itoh - giám đốc điều hành Công ty Crypton Future
Media - giải thích với khán giả Mỹ rằng Hatsune
Miku trong tiếng Nhật nghĩa là "tiếng hát đến từ tương lai", rằng
Hatsune Miku thuộc loại hình Vocaloid
(Vocalist Android - người máy ca sĩ) hiện rất được ưa chuộng tại Nhật.
Tương tự các đêm nhạc của Miku tại Nhật, giữa sân khấu có
màn ảnh trong suốt đặc biệt, có thể hiển thị hình ảnh của Miku nhưng không che
khuất ban nhạc đứng sau, tạo cảm giác như Miku đang đứng trên sàn diễn. Thực
chất, Miku chỉ là mô hình 3D tạo bởi máy tính, được diễn hoạt và ghi hình từ
trước. Giọng hát của Miku được tạo bởi phần mềm Vocaloid 2 chạy trên máy tính
PC.
Phần mềm Vocaloid do Công ty Yamaha phát triển từ năm 2003,
có chức năng ghi nhận giai điệu tạo bởi nhạc cụ điện tử, đồng thời cho phép
người sáng tác nhập từng ca từ cho mỗi nốt nhạc và tạo nên giọng hát tương ứng.
Người sáng tác có thể điều chỉnh một loạt thông số để có được âm sắc đặc thù của
giọng hát.
Hợp tác với Yamaha, Công ty Crypton Future Media phát hành
phần mềm Vocaloid đóng gói năm 2004 với âm sắc của giọng hát được lấy từ mẫu âm
của ca sĩ thực sự. "Ca sĩ đóng gói" đầu tiên của Crypton mang tên Meiko giúp người dùng Vocaloid ghi âm
bài hát do mình sáng tác mà không phải vất vả điều chỉnh tỉ mỉ về âm sắc để có
được giọng hát hay. Nhờ Meiko, người sáng tác có thể không cần ca sĩ thực sự
thể hiện bài hát mới của mình. Sau thành công bước đầu với giọng nữ của Meiko,
Crypton bổ sung giọng nam mang tên Kaito.
Năm 2007, khi Yamaha nâng cấp Vocaloid lên phiên bản 2 với
những cải tiến quan trọng trong công nghệ tổng hợp âm thanh, Crypton cũng nâng
cấp ca sĩ ảo của mình theo cách riêng. Lúc đầu, Crypton tìm đến các ca sĩ danh
tiếng nhưng mọi cuộc thương lượng đều thất bại vì các "ngôi sao"
không muốn giọng hát của mình được dùng tùy tiện cho bài hát bất kỳ
Crypton chuyển hướng, tìm giọng hát tuổi thiếu niên và đạt
được thỏa thuận với diễn viên trẻ Saki Fujita. Fujita từng lồng tiếng cho nhiều
phim hoạt hình và thể hiện rất thành công những bài hát dễ thương trong phim.
Với mẫu âm lấy từ giọng ca trẻ trung của Fujita, Crypton có
một quyết định đột phá: tạo hình cho ca sĩ ảo để xây dựng nhân vật có đời sống
riêng. Theo yêu cầu của Crypton, nữ họa sĩ truyện tranh Kei thiết kế nhân vât
Hatsune Miku dưới dạng "cô bé mắt nai" 16 tuổi.
Sản phẩm Vocaloid đóng gói mang tên Hatsune Miku (giá 15.750
yen, khoảng 194 usd) dùng chất giọng của Fujita được tung ra thị trường với
chiến dịch quảng bá rầm rộ. Hình ảnh ca sĩ ảo Miku xuất hiện khắp nơi, cả trên
những chiếc xe đua đường trường tranh giải Super GT (giải đua ô-tô lớn nhất tại
Nhật).
Doanh số của sản phẩm Hatsune Miku tăng vọt. Ngày càng nhiều
bài hát do các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên sáng tác được thể hiện với
giọng ca Miku. Khi tiếng hát của Miku bắt đầu vang lên từ các loa công cộng
trên đường phố Tokyo,
không có nhiều người biết rằng đó là giọng của ca sĩ ảo.
Trên YouTube và Nico Nico Douga (dịch vụ tương tự YouTube,
rất phổ biến tại Nhật) xuất hiện ngày càng thường xuyên những phim ca nhạc "tự
biên tự diễn" dựa vào giọng hát của Miku.
Có lẽ những phim ca nhạc do chính... Miku trình diễn bắt đầu
nổi lên từ khi thành viên của YouTube có biệt danh Tripshots - một nhạc sĩ trẻ
- tạo ra mô hình 3D của Miku bằng phần mềm nguồn mở Blender. Không chỉ sử dụng
giọng hát Miku cho các ca khúc mới của mình, Tripshots tự dàn dựng phim ca nhạc
3D hoàn chỉnh trong đó mô hình Miku được diễn hoạt sống động. Các mô hình Miku (của
Tripshots và những người khác) được lan truyền tự do trên mạng, nhờ vậy mọi
người hâm mộ đều có thể tự điều khiển vũ điệu của Miku theo sở thích.
Do việc điều khiển mô hình Miku trong phần mềm Blender hoặc
3ds Max khá phức tạp, Yu Higuchi - một lập trình viên - xây dựng một phần mềm
chuyên dụng miễn phí mang tên MikuMikuDance
giúp mọi người dễ dàng dàn dựng vũ điệu cho Miku. Theo lời giới thiệu của Yu
Higuchi, anh đã miệt mài làm việc trong 70 giờ để hoàn thành phần mềm
MikuMikuDance và sẽ tiếp tục đưa ra những phiên bản cải tiến trong tương lai từ
yêu cầu của người dùng. Phần mềm MikuMikuDance thúc đẩy mạnh mẽ làn sóng phim
ca nhạc Miku trên YouTube và Nico Nico Douga. Đó là mảnh đất đầy sáng tạo, giúp
hình thành nên nhiều điệu nhảy đẹp mắt của Miku được giới trẻ Nhật ưa chuộng.

Phần
mềm miễn phí MikuMikuDance giúp dàn dựng vũ điệu cho Hatsune Miku.
Công nghiệp
manga
(truyện tranh),
anime (hoạt hình) và
trò chơi điện tử của Nhật không thể đứng bên ngoài làn sóng mới. Họa sĩ Kei -
người tạo ra Miku - bắt đầu dùng Miku làm nhân vật chính trong truyện tranh
nhiều kỳ của cô trên tạp chí Comic Rush từ cuối năm 2007. Gần như cùng thời
điểm, họa sĩ Ontama khởi động truyện tranh nhiều kỳ với nhân vật Hachune Miku -
một biến thể của Hatsune Miku - trên tạp chí Comp Ace. Không chỉ giọng hát của
Miku được dùng trong đoạn kết của phim hoạt hình
Akikan, Miku bắt đầu xuất hiện trong vài tập của phim hoạt hình
Zoku Sayonara và
Zetsubou Sensei. Giữa năm 2009, Công ty Sega giới thiệu trò chơi âm
nhạc
Hatsune Miku: Project DIVA trên
các máy Play Station và Arcade. Miku cũng trở
thành một nhân vật trong trò chơi trực tuyến
PangYa.
Rời khỏi tay Crypton, Miku thực sự có cuộc sống riêng, thực
sự thuộc về cộng đồng người hâm mộ Vocaloid (cộng đồng Vocaloidism).
Thành công rực rỡ của Miku kích thích Crypton giới thiệu các
ca sĩ ảo mới với chất giọng của những ca sĩ thực tuổi thiếu niên, được tạo hình
theo phong cách manga. Sau Miku là bộ đôi Kagamine
Rin (giọng nữ của Shimoda Asami) và Kagamine
Len (giọng nam của Shimoda Mami). Sau Rin và Len, Crypton tiếp tục "lăng
xê" nhân vật Luka (giọng nữ của
Asakawa Yuu) - ca sĩ ảo đầu tiên hát được cả tiếng Nhật lẫn tiếng Anh.
Song song với hoạt động của Crypton tại Nhật, công ty Zero-G
tại Anh cũng hợp tác với Yamaha để phát hành phần mềm Vocaloid với những ca sĩ
ảo giọng Anh: Leon, Lola, Miriam, Prima,... Tuy nhiên, các ca sĩ Vocaloid
"người Anh" không có chân dung, không có tính cách.
Buổi diễn đầu tiên của Miku tại Mỹ gây nên hai luồng dư luận
trái ngược. Bên cạnh những lời khen dành cho Miku và giọng hát của cô ("ngộ
nghĩnh", "dễ thương"), không ít ý kiến cho rằng tụ tập để xem ca
sĩ ảo là "điên khùng". Những cuộc tranh luận nổ ra trên các diễn đàn
khi nhiều người Mỹ tỏ ra "dị ứng" với bản thân loại hình Vocaloid. Ý
kiến phản bác cho rằng những "thần tượng âm nhạc" do công nghiệp biểu
diễn Mỹ nhào nặn từ các cuộc thi (như American
Idol) cũng chỉ là ảo, cả về chất giọng lẫn tính cách, trong khi ca sĩ
Vocaloid không bao giờ phản bội người hâm mộ, không bao giờ có tỳ vết trong đời
tư và những chuyện ầm ĩ đáng xấu hổ.
Nói cho công bằng, hình ảnh của Miku cũng đã nhanh chóng bị vấy
bẩn, bị lạm dụng cho mục đích khiêu dâm. Dù sao, đó không phải là... lỗi của
Miku!

Người
hâm mộ hóa trang thành Hatsune Miku.
Những nhà kinh tế học lại nhìn thấy ở loại hình Vocaloid sự
khởi đầu của việc xóa nhòa ranh giới giữa nhà cung cấp (provider) và người tiêu
dùng (consumer), từ đó hình thành khái niệm
prosumer.
Không quan tâm đến những nhận định xu hướng nặng tính hàn
lâm, nhạc sĩ Tripshots bày tỏ ý kiến đơn giản: những đoạn phim ca nhạc Miku của
anh trên YouTube luôn nhận được phản hồi tích cực của người xem tại Mỹ.
Tripshots vững tin rằng loại hình Vocaloid rồi sẽ trở nên quen thuộc với công
chúng Mỹ và Châu Âu, giống như manga và anime. Là người Nhật, anh tự hào về
điều đó.
Bất chấp mọi chỉ trích, Vocaloid quả thực là niềm tự hào
xứng đáng của văn hóa và công nghệ Nhật Bản.
NGỌC
GIAO