Từ “xôn” đường phố
Dễ dàng bắt gặp các hàng “xôn”
phụ kiện công nghệ ở một số góc ngã tư đông đúc người qua lại. Món “xôn” được
đưa ra chào mời nhiều nhất là đèn USB, quạt USB, quạt tản nhiệt, bộ dụng cụ hút
bụi laptop, bàn phím, chuột, đế lót chuột, balo, túi chống xốc… Tham gia buôn
bán cũng đầy đủ các thành phần từ sinh viên muốn có thu nhập thêm đến một số
người bán chuyên nghiệp xem đây là nguồn thu nhập chính. Chỉ cần một tủ nhỏ,
hay đơn giản chỉ là trải miếng bạc ra bên đường là đã có một “cửa hàng” mua bán
thoải mái. Tuấn Anh, hiện là sinh viên của Đại học mở TP.HCM từng bán phụ kiện
xôn vào mùa hè vừa rồi cho biết: “Phụ kiện “xôn” không tốn quá nhiều vốn. Chừng
vài triệu mua đồ là đã có danh sách với rất nhiều món để bán. Ít vốn thì mua ít
món cơ bản về bán thử sức, không ngại lắm việc hàng ế, chôn vốn, không sợ bị ép
doanh số. Chịu thương chịu khó buôn bán, “dẻo miệng” tư vấn, nguồn thông tin
hay ho thì sống khỏe. Trung bình, ngày cũng bán được vài trăm nghìn, khéo léo
cũng có thể lãi từ 100.000đ trở lên/buổi/ngày bán”.

Với mặt hàng “xôn” này, người qua
lại thường không câu nệ, miễn sao thấy thích. Thậm chí đôi khi không thích
nhưng quan trọng là thấy rẻ thì mua không suy nghĩ. Do dễ ra nghề, không chiếm
nhiều vốn lại có đồng ra, đồng vô nên ngày càng có nhiều người tham gia bán
hàng và nguồn hàng mang ra bán cũng phong phú lên từng ngày.
Cũng theo Tuấn Anh, “xôn” đường
phố thường có hai dạng. Dạng chỉ bán một số mặt hàng phổ thông nhỏ lẻ từ vài
chục đến trăm nghìn đồng là cao. Dạng này thường chủ yếu là các bạn sinh viên
tham gia bán nhiều hơn. Do giá trị hàng thấp nên họ chỉ cần trải miếng bạc nho
nhỏ ra đường, hay kê chiếc bàn nhỏ và vô tư bán kể cả sáng lẫn tối miễn sao sắp
xếp khéo lẽo với thời gian học là được. Dạng thứ hai là bán một số phụ kiện cao
cấp, có giá trị hơn như USB 3.0, chuột không dây, case thời trang cho ổ cứng,
case, bao da cho tablet, smartphone, bàn phím dẻo bảo vệ laptop “Táo”… Giá trị
các món hàng này thường từ trăm nghìn đồng trở lên. Hàng cũng nhiều hơn hẳn.
Với giá trị hàng tương đối, người bán thường để hàng trong tủ kín lớn tránh bụi
bẩn hoặc cũng có thể để hàng trên những tấm bạc nhưng họ chọn vị trí khá thuận
lợi: góc ngã tư rộng rãi có nhiều người qua lại, thuê một góc nhỏ trong các khu
chợ sầm uất thu hút người đi chợ hay thuê những căn nhà nhỏ bày bán để tránh
việc phải chạy trốn đội quản lý trật tự. “Xôn” đường phố có điểm lợi là khá di
động, tính linh hoạt cao. Chỗ này bán không được thì thuê hoặc tìm chỗ khác
thuận lợi hơn để bán hoặc thường xuyên thay đổi địa bàn để tìm kiếm khách hàng
mới. Cách thức mua bán trực quan, sinh động ngay trước mắt người muốn mua nên
trong hơn một năm qua, mô hình này phát triển khá nhanh.
“Nhiều bạn sinh viên thích bán “xôn”
phụ kiện máy tính vì nguồn hàng rất phong phú (lấy từ nguồn hàng giảm giá,
thanh lý của các công ty, cửa hàng, các chợ đầu mối như Nhật Tảo). Việc mua bán
lại linh động, tranh thủ lúc rảnh rỗi thì ra bán, không bó buộc thời gian. Bên
cạnh đó, ngoài việc bán “xôn” hè phố, một số bạn còn năng động “xôn” lên mạng
và nhận đi giao hàng tận nơi. Thấy mỗi món có vài chục nghìn đồng vậy thôi chứ
nếu bán được số lượng lớn, bán được thường xuyên thì cũng kiếm được kha khá,
chí ít là có tiền chi tiêu hằng ngày và gửi về quê cho nhà đón Tết”, Tuấn Anh
thổ lộ thêm.
Đến “xôn” trong các hội chợ
Một điểm hấp dẫn của mùa phụ kiện
“xôn” năm nay là mô hình này cũng được áp dụng tại các cửa hàng chuyên bán phụ
kiện và “lấn” vào bán tại các hội chợ, triễn lãm công nghệ thông tin trong năm.
“Hàng năm, cứ gần đến Tết là bên
mình cho thanh lý nhiều phụ kiện model cũ. Mặt hàng này được tách riêng và nằm
ở một vị trí có đề sẵn là “xôn” ngay tại cửa hàng cho khách dễ bề chọn lựa. Qua
đó, khách hàng nào chỉ cần có nhu cầu “xôn” thì đến là chắc chắn cũng lựa được
1, 2 món vừa ý với giá cực kỳ hấp dẫn chỉ chừng 20.000đ/món”, chủ một cửa hàng
bán phụ kiện cho laptop đường Nguyễn Kiệm thổ lộ.
Thật ra thì hàng “xôn” không phải
là hàng hư, hỏng hóc mà chẳng qua là nó bị lỗi mốt hoặc nguồn hàng quá phổ
thông, ai cũng có rồi nên không còn nhiều giá trị về mặt sử dụng. Có lẽ vì hiểu
được ý nghĩa này mà càng ngày mọi người càng chú ý đến phụ kiện “xôn” nhiều
hơn. Về cơ bản, phụ kiện chẳng có gì phải lo hư hỏng nên nếu mua được hàng “xôn”
tốt, người mua được hưởng lợi. Ngược lại, cửa hàng “xôn” tốt thì sẽ thu hồi lại
được ít vốn chuẩn bị sắm hàng mới bán mùa tết. Chính vì được nhiều cái lợi nên
cả người mua lẫn bán đều thích hàng “xôn”.
.jpg)
Bạn Ngô Sang, sinh viên ĐH Tôn
Đức Thắng khoe mới tậu được bộ bàn phím ưng ý với mức giá chưa tới 100.000đ tại
một hội chợ công nghệ mới diễn ra gần đây. Không chỉ có bàn phím, rất nhiều phụ
kiện từ phổ thông đến cao cấp được các công ty mang đến hội chợ với giá “xôn”. Chị
Quỳnh Như, người bán hàng của một công ty tham gia hội chợ cho biết: “Mới chỉ
là ngày đầu khai mạc nhưng rất đông người đến hỏi mua phụ kiện công ty đang “xôn”.
Đây cũng là yếu tố khá bất ngờ với công ty vì mọi năm, hàng rẻ thường bị chê
bởi quan niệm của rẻ là của ôi. Theo mình, có thể do kinh tế đang khó khăn nên
nếu mua được hàng rẻ, còn mới, chất lượng tốt thì vẫn hơn. Kéo theo đó, mặt
hàng bán khá chạy là các loại tai nghe, chuột, loa rời, webcam xịn, USB dung
lượng cao, thẻ nhớ và một số phụ kiện cho tablet như case, bao da… Những mặt
hàng khác như quạt USB, đèn USB, đế tản nhiệt cũng có doanh số vượt dự kiến vì
giá dao động chỉ từ 30.000đ trở lại”.
Nhiều khách hàng tham quan hội
chợ công nghệ nói trên tâm sự, dù nhà có đủ đồ hết rồi nhưng thấy giá rẻ quá
cũng ham nên mua thêm để dành dự phòng. Số khách hàng khác thì cố gắng thu gom
để dành làm quà sinh nhật, quà tặng cho bạn bè. “Thử nghĩ, có món quà sinh nhật
nào chừng 30.000đ mà xài cũng được và nhìn cũng đẹp đâu. Chỉ có mỗi phụ kiện
máy tính là đáp ứng được yêu cầu này thôi nên nếu có điều kiện thì cứ mua,
không tặng thì xài, cơm không ăn thì gạo còn để đó, có mất mát đi đâu mà lo”,
một khách tham quan chia sẻ.
DƯƠNG NGUYỄN