Một
ngày nắng đẹp mùa xuân năm 2004, khách bộ hành ở khu Manhattan (New York, Mỹ)
ngạc nhiên khi thấy vài thanh niên mặc... áo mưa chạy vội vàng trên phố với vẻ
mặt dáo dác, dường như đang tham gia một cuộc săn đuổi. Nhiều người cười xòa
khi biết những kẻ kỳ dị ấy đang chơi trò Pac-Manhattan
- trò chơi Pac-Man trên đường phố. Có thể xem Pac-Manhattan là mốc khởi đầu của
thể loại trò chơi phụ thuộc vị trí người chơi (location-based game).

Pac-Man
liên lạc với người điều khiển bằng điện thoại di động.
Bốn thanh niên mặc áo mưa đóng vai bốn "con ma"
Blinky, Pinky, Inky và Clyde trong trò chơi
Pac-Man. "Căn cứ địa" của ma là công viên trung tâm Washington Square
Park. Xuất phát từ đó, bốn con ma bắt đầu lùng sục các dãy phố để tìm Pac-Man -
một thanh niên trong trang phục màu vàng nổi bật, trông như một miếng pho-mát.
Pac-Man phải "chạy như ma đuổi" vì sẽ "chết" ngay nếu bị chàng
hoặc nàng mặc áo mưa nào đó chạm vào người.
Tuy nhiên, giống như trò chơi Pac-Man trên máy tính, tình
thế có khi lật ngược: Pac-Man lấy được "viên thuốc sức mạnh" (power
pellet), trở nên có khả năng tiêu diệt ma. Đó là lúc Pac-Man chạy qua một số vị
trí quy ước trên phố. Với sức mạnh tạm thời, Pac-Man có thể chạm vào ma, đuổi
ma quay về căn cứ địa. Những con ma bị tiêu diệt phải "ngồi chơi xơi
nước" ở công viên trung tâm trong thời gian nhất định trước khi "tái
xuất giang hồ".

Những
"con ma" đang truy tìm Pac-Man.
Ma
gần bắt được Pac-Man!
Trò chơi Pac-Manhattan thực ra có mười người tham gia. Pac-man
và bốn con ma ở khu Manhattan
đều được điều khiển bởi năm người khác ngồi cố định trong khu vực. Người điều
khiển liên lạc với avatar của mình
qua điện thoại di động để biết vị trí hiện tại của avatar trên phố, cập nhật vị
trí của avatar trên máy tính và hò hét những chỉ thị hướng dẫn khiến người đi
đường phải giật mình, đại loại như: "Chạy ngay đến góc đường số 6 và số 8,
rồi rẽ trái! Coi chừng Blinky đang theo sát cậu đó!" hoặc "Ấy ấy,
đừng chạy vào đường đó, Clyde đang ở cuối
đường!".
Màn hình máy tính trước mặt mỗi người điều khiển hiển thị sơ
đồ các dãy phố vuông vắn của khu Manhattan,
được thể hiện theo đúng phong cách của trò chơi Pac-Man. Mỗi khi màn hình trò
chơi được cập nhật bởi một người điều khiển, những người điều khiển khác thấy
ngay sự thay đổi thông qua kết nối Wi-Fi. Cả năm người điều khiển đều biết rõ
tình trạng của trò chơi để có thể hướng dẫn avatar của mình trên phố một cách
hợp lý. Người điều khiển Pac-Man dĩ nhiên luôn hướng dẫn avatar của mình nhắm
đến những con đường có rải "hạt đậu" (tưởng tượng) để được tăng điểm.
Tuy nhiên, khác với việc chơi trò Pac-Man thông thường trên
máy tính (trong đó người chơi điều khiển Pac-Man một cách tức thời bằng các
phím mũi tên), cơ chế điều khiển từ xa bằng... lời nói qua điện thoại di động
trong trò chơi Pac-Manhattan có khi không theo kịp diễn biến trên phố. Đó là lúc
Pac-Man bị đuổi quá gấp, chạy vòng vèo "không kịp thở" quanh những
chiếc ô-tô đỗ bên đường, không có chút thời gian nào để liên lạc với người điều
khiển!
Những
người điều khiển Pac-Man và ma.
Màn
hình trò chơi Pac-Manhattan. Hình khung lớn ở giữa là căn cứ địa của ma: công
viên Washington Square Park.
Trò chơi Pac-Manhattan được thiết kế và thực hiện bởi một
nhóm sinh viên cao học thuộc Đại học New
York. Ý tưởng của nhóm Pac-Manhattan thật đơn giản:
chuyển trò chơi từ màn hình máy tính lên thực địa để xem thử điều gì xảy ra. Và
"điều xảy ra" rất thú vị: nhiều cộng đồng ở khắp thế giới học hỏi
kinh nghiệm từ nhóm Pac-Manhattan để tổ chức cuộc chơi tương tự. Có người gọi
đó là thể loại trò chơi mới: "trò chơi phụ thuộc vị trí"
(location-based game). Nhiều người khác gọi tên gọn hơn: "trò chơi diện
rộng" (pervasive game). Những người chủ chốt của nhóm Pac-Manhattan lại
thích gọi đơn giản là "trò chơi lớn" (big game) vì mục tiêu của họ là
sử dụng những phương tiện công nghệ thích hợp để theo dõi trạng thái của trò
chơi (không nhất thiết chỉ là vị trí của những người chơi) trên phạm vi lớn.
Nghiên cứu tác động của trò chơi đối với cộng đồng dân cư, nhóm
Pac-Manhattan kết luận rằng trò chơi lớn có thể trở thành cơ hội kinh doanh
lớn: kinh doanh sự kiện! Một số thành viên của nhóm Pac-Manhattan nay đã ra
trường, lập nên các công ty thiết kế trò chơi lớn chuyên nghiệp: Công ty Gigantic
Mechanic của Mattia Romeo và Gregory Trefry, Công ty Area/Code của Frank Lantz và
Kevin Slavin. Phương hướng kinh doanh trò chơi lớn ngày càng thu hút sự chú ý
của những công ty sản xuất trò chơi điện tử, công ty quảng cáo, công ty sản xuất
thiết bị di động,...
Ngay từ khi thảo luận ý tưởng, nhóm Pac-Manhattan đã thử
dùng thiết bị GPS để định vị người chơi. Về nguyên tắc, GPS cho phép định vị
với độ chính xác cao (sai lệch 5-20 m) nhưng sóng GPS phát từ vệ tinh rất chập
chờn trên đường phố len giữa những cao ốc. Việc định vị bằng GPS thường chỉ đạt
hiệu quả tốt nhất ở những vùng thưa thớt dân cư. Nhóm Pac-Manhattan quyết định
chọn phương án đơn giản: gán số hiệu ngắn gọn cho từng đoạn đường và thông báo
vị trí bằng lời nói.
Sau Pac-Manhattan, khi thiết kế trò chơi "săn tìm kho
báu" mang tên Conqwest, Romeo và Trefry nghĩ ra cách khác để xác định vị
trí, không dùng lời nói. Các đội săn tìm kho báu dùng điện thoại di động chụp
hình những bảng nhỏ được gắn ở nhiều nơi trong khu vực "hành quân"
của mình và gửi hình về trung tâm điều hành trò chơi (nhờ kết nối Wi-Fi). Trên
bảng không có chữ hoặc số, chỉ có những hình vuông đen trắng do Romeo quy định,
gọi là mã semacode. Phần mềm đọc mã
semacode giúp trung tâm điều hành nhận biết vị trí chụp hình, theo dõi được
đường đi của các đội. Do không thể đọc hiểu mã semacode bí hiểm, các đội tham
gia trò chơi không thể tạo mã semacode giả hiệu để đánh lừa trung tâm về vị trí
của mình.
Hiện nay, công nghệ xác định vị trí có những bước tiến vượt
bậc. Dù iPhone và các loại smartphone (điện thoại thông minh) đời mới đều có
sẵn bộ thu sóng GPS, Apple và Google đều dùng dịch vụ định vị của Công ty
SkyHook như một giải pháp bổ sung. SkyHook có nhiều đội xe chạy khắp nước Mỹ để
xác định tọa độ những điểm truy cập Wi-Fi hoặc trạm thu phát sóng của các nhà
mạng, lưu giữ kết quả trong một cơ sở dữ liệu. Phần mềm trên smartphone tự động
gửi địa chỉ MAC của các điểm truy cập Wi-Fi ở gần (cùng cường độ tín hiệu tương
ứng) hoặc số hiệu Cell-ID của trạm thu phát sóng về máy chủ của Apple hoặc
Google để nhận được tọa độ tương ứng. Với mật độ dày đặc điểm truy cập Wi-Fi và
trạm thu phát sóng trong các đô thị tại Mỹ, vị trí của người dùng smartphone
được xác định chính xác.
Bên ngoài nước Mỹ, Google xây dựng dần cơ sở dữ liệu về vị
trí điểm truy cập Wi-Fi và trạm thu phát sóng dựa vào chính những người sử dụng
dịch vụ Google Maps và Google Latitude trên smartphone (những khi họ tự xác
định vị trí của mình).
Hào hứng với khả năng định vị chính xác người dùng iPhone
thông qua dịch vụ SkyHook, Romeo và Trefry chuyển khu Manhattan thành một sân gôn (golf) ảo. Nhìn
vào màn hình iPhone, người chơi biết rõ vị trí của mình trên sân gôn ảo. Khi di
chuyển đến vị trí đặt quả gôn ảo, người chơi cầm iPhone vụt mạnh tay như thể
đang đánh gôn thực sự. Bộ đo gia tốc (accelerometer) bên trong iPhone giúp máy
chủ nhận được thông tin về lực tác động vào quả gôn ảo. Máy chủ tính toán đường
đi của quả gôn cùng vị trí đáp của nó trên sân gôn ảo và gửi thông tin trở lại
iPhone để hiển thị trên màn hình.
Công nghệ hiện tại đang cho phép tạo ra những trò chơi lớn
có trạng thái phức tạp, hoạt động theo thời gian thực, trong không gian thực
nhưng thuộc về một "thế giới song song" của thế giới thực. Nick
Fortugno - giáo sư môn "Thiết kế trò chơi" (Game Design) tại Đại học Minnesota - gọi những trò
chơi lớn theo hướng Pac-Manhattan là "loại
trò chơi không làm cho bạn thoát ly thế giới nhưng làm cho bạn thoát ly cảm
nhận thông thường về thế giới".
NGỌC
GIAO