Khi
phát biểu trong các buổi hội thảo, Mitchell Baker luôn làm cho cử tọa ngạc
nhiên vì mái tóc ngộ nghĩnh của bà: một bên cắt ngắn như nam giới, một bên để
dài che tai, lại nhuộm màu đỏ hung trông như đuôi cáo trong biểu tượng của
trình duyệt Firefox. Tuy nhiên, ai cũng hiểu đó là sự thể hiện cá tính mạnh mẽ
của người lãnh đạo Tổ chức Mozilla (Mozilla Foundation), người từng được tạp
chí TIME xem là một trong những nhà tư tưởng của Web.
Mitchell
Baker
- Cúc cu! Xin chào!
Tuần qua bọn tớ đã "chế biến" được nhiều thứ.
- Làm bếp hả? Làm được
món gì, nói nghe coi.
- Thôi nghiêm túc đi.
Các cậu làm đến đâu rồi?
Đó là những lời trao đổi trong một cuộc họp hàng tuần của
những người tình nguyện tham gia vào việc phát triển trình duyệt Firefox. Cuộc
họp được tổ chức dưới dạng diễn đàn trên mạng, bất cứ ai quan tâm đến "hậu
trường" của Firefox đều có thể theo dõi và đóng góp ý kiến. Không giống
các công ty phần mềm thương mại, việc xây dựng phần mềm ở Mozilla thể hiện sinh
động tinh thần nguồn mở, không có gì bí mật.
Phát biểu của những người dự họp có khi hùng hồn hoặc
"sát phạt", cũng có khi khôi hài, trớt quớt. Không ít ý kiến than
phiền về tình trạng mất trật tự của cuộc họp qua mạng, đề nghị Mozilla phải có
chương trình huấn luyện phép ứng xử khi tham gia dự án nguồn mở cho những người
tình nguyện. Ai đó "hiến kế":
- Có lẽ chúng ta nên
thiết lập những nhóm nhỏ hơn, tự tập hợp, tự quản lý.
- Có thể chúng tôi sẽ
thuê thêm người làm việc ở đây, đóng vai trò hạt nhân của các nhóm.
Ý kiến ngược vừa nêu là của Mitchell Baker, chủ tịch Tổ chức
Mozilla.
Mỗi khi có dự định tuyển dụng, Baker luôn cân nhắc vì bà hiểu
rõ rằng việc thuê người làm việc tại trụ sở của Mozilla để điều phối hoạt động
của các nhóm tình nguyện hoàn toàn không đơn giản. Cộng đồng nguồn mở có
"tôn ti trật tự" khắt khe. Chỉ những người có tài năng lập trình, tự
khẳng định được mình trong công việc thực tế và có khả năng động viên, thuyết
phục mới có thể tập hợp những người tình nguyện. Quản lý theo kiểu mệnh lệnh
chắc chắn dẫn đến... "rã đám".
Với phần lớn nhân lực của Mozilla là những người tình
nguyện, không hưởng lương, Mozilla không thể phát triển nếu không có hệ thống
quản lý thích hợp. Sản phẩm của Mozilla tuy miễn phí nhưng có ảnh hưởng đến
hàng trăm triệu người (riêng trình duyệt Firefox có được 330 triệu người dùng toàn
thế giới, tính đến cuối tháng 11/2009) và cần được nâng cấp kịp thời, thường
xuyên.
Mozilla không thể có được hệ thống quản lý thích hợp nếu
không có... Baker, một phụ nữ không còn trẻ, lại không phải là "dân kỹ
thuật".
Baker vốn là một luật sư. Năm 1998, Baker làm việc cho Công
ty Netscape Communications, phụ trách các vấn đề pháp lý. Sản phẩm chính của
Netscape lúc đó là bộ phần mềm Netscape Communicator, chủ yếu gồm một trình
duyệt và một trình thư tín. Sau bốn năm chiếm ưu thế tuyệt đối trên Web, trình
duyệt Netscape bắt đầu thất thế khi trình duyệt Internet Explorer (IE) của
Microsofti được cung cấp miễn phí cho mọi người dùng Windows. Netscape bị đẩy
dần đến bờ vực.
Từng nghiên cứu những khía cạnh pháp lý của phần mềm tự do,
Baker đề nghị những người lãnh đạo Netscape công khai mã nguồn trình duyệt
Netscape như một cách lưu giữ những thành tựu của mình. Về việc này, bà giải
thích đơn giản: "Cha tôi thường nói
rằng khi gặp khó khăn, hãy tìm cách tốt nhất để thoát ra và đi tiếp".
Trước khi sáp nhập vào tập đoàn AOL, Netscape thành lập
Mozilla. Mozilla hoạt động với tư cách tổ chức phi lợi nhuận và có quyền phát
triển mã nguồn của sản phẩm Netscape Communicator. Một số nhân viên của
Netscape được chuyển qua Mozilla, do Netscape trả lương.
Dù biết rõ Mozilla có thể không tồn tại được lâu, Baker vẫn
chấp thuận lời đề nghị của Netscape về chức vụ điều hành Mozilla. Chính Baker
soạn thảo các văn bản pháp lý liên quan đến mã nguồn do Mozilla quản lý, tạo
nên "thỏa ước Mozilla" (có nhiều khác biệt so với thỏa ước phần mềm
tự do GPL do Richard Stallman khởi xướng).
Khi trở thành chủ nhân của Netscape, AOL cắt nguồn tài trợ
cho Mozilla. Không có lương, hầu hết nhân viên của Mozilla rời bỏ công việc. Baker
vẫn tiếp tục làm việc không lương, cố gắng duy trì "cuộc sống thoi
thóp" của Mozilla và tích cực tìm nguồn tài trợ mới. Bà gửi thư cho nhiều
công ty, tổ chức, nêu rõ rằng thế giới cần có một trình duyệt nguồn mở, nhằm thực
thi các chuẩn mở, ngăn chặn sự thao túng nền tảng của Web, ngăn chặn sự khuếch
trương công nghệ có tính tư hữu, khép kín, hướng đến lợi ích của riêng
Microsoft.
Lời kêu gọi của Baker dần dần được nhiều cá nhân, tổ chức và
công ty hưởng ứng. Các công ty IBM, Sun Microsystems và Red Hat đồng ý tài trợ cho
Mozilla dưới nhiều hình thức, cử nhiều nhân viên tham gia vào các dự án nguồn
mở của Mozilla.
Trong thời kỳ đầu, Mozilla tiếp nối công việc của Netscape,
xây dựng một bộ phần mềm nguồn mở nhiều chức năng gồm trình duyệt, trình thư
tín và cả công cụ thiết kế Web. Bộ phần mềm Mozilla không thu hút được nhiều
người dùng. Hầu như không ai cần đến trình duyệt Mozilla khi đã có sẵn IE.
Vào năm 2002, trong khi Mozilla tập trung phát triển bộ phần
mềm chẳng-mấy-ai-cần, hai lập trình viên tập sự tại Mozilla, Blake Ross và
David Hyatt làm công việc ngược ngạo: "tháo dỡ" trình duyệt Mozilla nặng
nề để "lắp ráp" một trình duyệt chân phương, thử xem trình duyệt mới
chạy nhanh đến mức nào. Dự án bên lề của Ross và Hyatt dần dần lôi cuốn nhiều
người tham gia, hình thành nên trình duyệt Phoenix, sau đổi tên thành Firefox
Đó cũng là thời gian trình duyệt IE bắt đầu bộc lộ nhiều
nhược điểm nghiêm trọng. Trong cuộc chiến với Netscape, để chứng tỏ IE vượt
trội, để thu hút giới lập trình Web, Microsoft xây dựng IE sao cho phần mềm gắn
với trang Web có thể tiếp cận "gan ruột" của hệ điều hành Windows. Điều
này khiến người dùng IE dễ dàng bị quấy nhiễu, bị tấn công bởi phần mềm độc
hại. Baker nhanh chóng nhận ra rằng Mozilla có thể giương cao "ngọn
cờ" mới: xây dựng trình duyệt an toàn cho người dùng. Bà đặt niềm tin vào
Firefox, thuê người tổ chức chiến dịch quảng bá rầm rộ cho Firefox.
Thành công vang dội của Firefox đem đến nguồn thu dồi dào
cho Mozilla. Với việc đặt ô tìm kiếm của Google vào trình duyệt Firefox,
Mozilla được Google chi trả hàng năm một khoản tiền lớn (gần 100 triệu USD).
Tiền bạc giải quyết nhiều vấn đề của Mozilla nhưng cũng tạo ra nguy cơ, có thể
làm hỏng mối quan hệ của Mozilla với cộng đồng những người tình nguyện. Hiểu rõ
điều đó, Baker tách rời bộ phận kinh doanh, lập nên Công ty Mozilla (Mozilla
Corporation) với nhiệm vụ rõ ràng: kiếm tiền và tài trợ cho Tổ chức Mozilla. Chỉ
có uy tín của Baker mới khiến cộng đồng Mozilla tin tưởng vào tính thỏa đáng và
trung thực của việc chi tiêu tiền bạc tại Mozilla.
Không chỉ thận trọng trong việc chi tiêu, Baker luôn ngăn
chặn xu hướng khép kín của những người quản lý ở Mozilla, công khai mọi hoạt
động của Mozilla với cộng đồng.
Không chỉ giải quyết vụ việc đời thường trong Mozilla, Baker
luôn nghĩ đến mục tiêu, phương hướng của Mozilla.
Tại Hội thảo Web 2.0 Expo 2008, Baker đọc một báo cáo quan
trọng: "Mở ra thời đại Web di
động" (Opening the Mobile Web). Nhận định rằng việc sử dụng Internet
trên thiết bị di động là xu hướng lớn, Baker cổ vũ cho việc xây dựng các trình
duyệt Web di động dựa trên chuẩn mở. Baker giương cao "ngọn cờ" mới
của Mozilla: trình duyệt Web di động cần trở thành nền tảng của mọi phần mềm
ứng dụng trên thiết bị di động, tương tự như xu hướng đang diễn ra trên máy
tính cá nhân.
Tuy nhiên, đối với thiết bị di động, tình trạng cát cứ về
công nghệ ngày càng tăng. Các nhà sản xuất thiết bị xem trọng việc tạo ra nền
tảng công nghệ đặc thù, hơn là thỏa thuận và tuân theo chuẩn mở phổ biến. Với
thành công rực rỡ của các thiết bị iPhone và iPod Touch, Apple tiếp tục áp dụng
"chiến lược khép kín" cho máy tính bảng iPad, thiết bị di động mới
gần giống như máy tính cá nhân nhưng do Apple kiểm soát hoàn toàn về phần mềm
(chỉ chạy những phần mềm do Apple lựa chọn). Apple mong muốn những phần mềm dùng
công nghệ đặc thù của mình sẽ quyết định phần lớn việc sử dụng Internet, chứ
không phải trình duyệt Web di động. Chiến lược của Apple thúc đẩy việc "rào
giậu, ngăn sân" trở thành... xu hướng lớn (thu hút cả những thiết bị di
động dùng hệ điều hành nguồn mở như Android).
Điều mà Baker trăn trở, lo ngại dần dần hiển hiện. Mozilla
khó thấy được tương lai của mình trên thiết bị di động. Tính tư hữu lại đe dọa
Internet.
Nhân viên Mozilla thường gọi đùa Baker là "Người cưỡi
Khủng long" (Lizard Wrangler), do cảm hứng từ biểu tượng "khủng long
răng nhọn" của Mozilla. Baker rất tự hào về biệt danh "dữ dằn"
này. John Lily - giám đốc điều hành Công ty Mozilla - gọi Baker là "Lương
tâm của Mozilla". Đó mới chính là danh hiệu xứng đáng dành cho bà.
"Người
cưỡi khủng long Mozilla".
NGỌC
GIAO