Vài chia sẻ khá thật của nhà sáng lập Facebook về chiến
lược phát triển Facebook Home thành "ngôi nhà mơ ước" trên mọi điện
thoại di động, và cả về... chuyện đời của anh.
Từ giữa năm 2012, trước những tin đồn râm ran trên nhiều trang
mạng, Mark Zuckerberg - người sáng lập. kiêm tổng giám đốc điều hành Facebook -
luôn phủ nhận việc Facebook đang thiết kế "điện thoại Facebook".
Zuckerberg đã chứng tỏ điều đó trên thực tế: Facebook không
thiết kế điện thoại hay hệ điều hành cho điện thoại, mà chỉ thiết kế Facebook
Home - phần mềm ứng dụng trên hệ điều hành Android, Facebook Home giúp thay đổi
hoàn toàn giao diện thông thường của Android, hỗ trợ người dùng dễ liên lạc với
người thân, bạn bè qua Facebook, bất kể đang làm việc gì trên điện thoại.
Và dĩ nhiên, cuộc phỏng vấn hôm 4/4/2013 của Steven Levy trước
hết xoáy quanh đề tài Facebook Home:
Levy: Điều gì dẫn
anh đến việc xây dựng Facebook Home?
Zuckerberg:
Facebook luôn có vị trí đặc biệt trên điện thoại thông minh (smartphone).
Facebook không phải là hệ điều hành, cũng không đơn thuần là phần mềm ứng dụng.
Chủ nhân smartphone dành thời gian cho Facebook nhiều nhất, khoảng 23% thời
gian sử dụng smartphone. Tiếp theo sau là Instagram và Google Maps, đều vào cỡ
3%. Trong 18 tháng qua, chúng tôi đã nỗ lực xây dựng phiên bản tốt nhất cho phần
mềm Facebook trên smartphone, rất gần với những gì chúng tôi có trên máy tính cá
nhân. Chúng tôi biết rằng mình còn có thể làm tốt hơn nữa.
Levy: Sao anh không
chế tạo luôn điện thoại Facebook?
Zuckerberg:
Tôi hiểu rất rõ rằng đó không phải là
chiến lược đúng đắn. Cộng đồng Facebook đã có trên một tỉ người, trong khi
những loại điện thoại bán chạy nhất, không kể iPhone, chỉ tiêu thụ được khoảng
10, 20 triệu chiếc. Nếu Facebook chế tạo điện thoại, chúng tôi chỉ với tới được
1% hoặc 2% người dùng Facebook. Điều nầy chẳng có gì hay ho. Chúng tôi muốn chuyển đổi càng nhiều điện thoại càng tốt
thành "điện thoại Facebook". Đó chính là mục tiêu của Facebook
Home.
Levy: Facebook
hiện nay chỉ chạy trên điện thoại Android. Thật trớ trêu khi Facebook giờ đây lại
ràng buộc với hệ điều hành của... Google?
Zuckerberg:
Chúng tôi có quan hệ đối tác rất tốt với Apple, nhưng họ luôn muốn quyết định
toàn bộ trải nghiệm của người dùng trên thiết bị của họ. Chúng tôi không có nhiều
mối liên hệ với Google nhưng chúng tôi tán thành triết lý mở của họ.
Levy: Anh có
nghĩ rằng trong hai năm tới chẳng hạn, Facebook Home sẽ hiện diện trên iPhone?
Zuckerberg: Tôi
không thể nói trước điều ấy. Nó ở ngoài tầm tay của tôi. Tôi rất muốn điều ấy xảy
ra. Facebook có vị trí rất khác với Apple, Google, Amazon, Samsung và
Microsoft. Chúng tôi luôn nỗ lực xây dựng một cộng đồng. Chúng tôi hiện có một
tỉ người dùng và chúng tôi mong một ngày nào đó đạt đến ba tỉ, hoặc năm tỉ. Muốn
vậy, chúng tôi phải tạo ra trải nghiệm tốt nhất trên mọi thiết bị.
Android
đang tăng trưởng nhanh chóng. Chúng tôi rất phấn khích vì Android là nền tảng mở
và có đủ điều kiện để chúng tôi tạo nên những trải nghiệm tốt cho Facebook
Home. Điều ấy cũng tốt cho cả Google. Phần mềm như Facebook Home sẽ thúc đẩy
nhiều người mua sắm điện thoại Android, vì tôi nghĩ người dùng rất quan tâm đến
Facebook. Facebook Home là một trong những trải nghiệm tốt nhất về Facebook. Dĩ
nhiên, người ta cũng yêu thích iPhone nữa. Tôi rất thích chiếc iPhone của mình.
Tôi rất mong đưa được Facebook Home lên iPhone.
Levy: Facebook
giờ đây đặt ra tôn chỉ "Tất cả cho di động". Nếu anh khởi nghiệp năm
2013, chắc là anh sẽ xây dựng ngay phần mềm Facebook cho thiết bị di động?
Zuckerberg:
Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ mỗi năm, vài lần tôi sẽ dành vài ngày để đi dạo
thảnh thơi và tự hỏi nếu tôi không điều hành Facebook, nếu tôi làm lại từ đầu,
thì tôi sẽ làm gì?
Nhìn
vào xu hướng sử dụng thiết bị di động, tôi thấy sự tương tự với định luật Moore, có thể gọi đó là "định
luật chia sẻ": lượng thông tin trung bình mà một người chia sẻ với người
khác tăng gấp đôi mỗi năm. Đại loại như vậy. Nhận biết xu hướng lớn tiếp theo,
ta sẽ biết nên tập trung vào đâu.
Levy: Thế thì
xu hướng lớn tiếp theo là gì?
Zuckerberg:
Hiện giờ, chúng tôi thấy đó là xu hướng
chia sẻ trong nhóm nhỏ.
Levy: Anh sẽ
đáp ứng xu hướng đó ngay trong Facebook, hoặc bằng phần mềm riêng nào khác?
Zuckerberg:
Cả hai. Facebook cho phép chỉ liên lạc trong một nhóm nhỏ, gia đình hoặc nhóm bạn
bè thân thiết. Mọi người sẽ ngày càng ưa chuộng cách thức như vậy. Hiện nay,
Instagram thực hiện điều nầy rất tốt. Instagram vừa vượt qua mốc 100 triệu người
dùng tích cực. Tuy lượng người dùng của Instagram chưa sánh được với Facebook,
nhưng đó là điều rất có ý nghĩa.
Levy: Vì
Facebook đã là công ty cổ phần nên có lẽ gần đây anh phải chịu sức ép của chuyện
kiếm tiền, phải "nhấn ga" lợi nhuận hơn là tập trung vào sản phẩm?
Zuckerberg:
Có hai vấn đề đặt ra cho chúng tôi, song tôi nghĩ rằng dễ dàng gộp làm một. Khi
trở thành công ty cổ phần, đúng là chúng tôi chịu sức ép phải tạo ra lợi nhuận.
Vấn đề quan trọng hơn là sự chuyển dịch
của người dùng từ máy tính cá nhân sang thiết bị di động. Điều nầy tác động
đến nhiều quyết định của chúng tôi. Chúng tôi đã tạo ra một doanh nghiệp hoạt động
tốt, trị giá nhiều tỉ USD, nhờ vào những quảng cáo chỉ ở bên lề phải trang mạng.
Nhưng trên điện thoại không có chỗ cho lề phải như vậy. Chúng tôi buộc phải
hình dung cách thức hoạt động khác cho
Facebook trên thiết bị di động, nghĩa là vẫn tập trung vào sản phẩm.
Levy: Lúc nãy anh
nói đến định luật Moore
về sự chia sẻ thông tin. Thế nhưng có những báo cáo nói rằng sự chia sẻ chỉ đạt
đến mức nào đó thôi, chứ không tăng hoài.
Zuckerberg: Chia
sẻ không phải chỉ là chuyện người dùng cập nhật tình trạng (status) của mình.
Lúc đầu, người dùng chia sẻ bằng cách cung cấp thông tin cá nhân. Facebook đã
khiến họ chia sẻ thông tin bằng cách khác nữa: cập nhật tình trạng của mình. Thế
rồi người dùng dần quen với việc chia sẻ hình ảnh. Giờ đây, người dùng còn quen
với việc chia sẻ thông qua các phần mềm như Spotify.
Tôi
nói về định luật Moore
của sự chia sẻ nhưng hoàn toàn không có ý nói rằng điều đó chỉ diễn ra ở
Facebook. Sự chia sẻ diễn ra ở mọi nơi
và chúng tôi nỗ lực để nó diễn ra ở Facebook, giống như Intel phải nỗ lực để
thể hiện định luật Moore,
nếu không sẽ có ai khác làm việc đó. Ba năm tới, lượng thông tin được chia sẻ có
thể tăng lên chục lần. Điều đó sẽ thể hiện ở dịch vụ khác nếu không thể hiện được
ở Facebook.
Levy: Nhưng việc
chia sẻ cũng có lúc dừng lại. Anh có nghe người ta đang nói về chuyện "nghỉ
chơi Facebook"?
Zuckerberg:
Đây là hiện tượng thú vị. Có hai cách nghỉ chơi Facebook: nghỉ chơi tạm thời,
và nghỉ chơi vĩnh viễn. Những người nghỉ chơi Facebook vĩnh viễn không nhiều.
Nghỉ chơi tạm thời là chuyện thường tình, như khi người ta cần tập trung vào việc
gì đó hoặc chuẩn bị cho kỳ thi. Điều nầy cũng giống như những lúc tự giam mình
trong thư viện.
Levy: Anh có
bao giờ nghỉ chơi Facebook?
Zuckerberg:
Tôi nghĩ là chưa bao giờ. Nhưng chuyện tắt điện thoại thì tôi làm thường xuyên.
Mark Zuckerberg (thời sinh viên ở Đại học Harvard).
Levy: Anh chưa
tròn 30 tuổi nhưng anh bắt đầu có những đóng góp từ thiện đáng kể. Anh nghĩ gì
về việc nầy?
Zuckerberg:
Bill Gates đã cho tôi lời khuyên: Không
nên đơn giản đem tiền đi cho, muốn làm từ thiện tốt cũng phải học cách làm.
Vì vậy, sao phải đợi đến già mới làm?
Điều
rõ ràng là công việc chính của tôi chiếm đến 99% thời gian trong ngày, tôi
không thể điều hành một tổ chức từ thiện. Nhưng tôi có thể làm theo cách của quỹ
đầu tư mạo hiểm, nghĩa là đầu tư vào con người. Tôi đã đầu tư vào các trường học
ở Newark vì tôi
tin vào ông thị trưởng và ông thống đốc ở đó. Họ đã dùng tiền của tôi một cách
đúng đắn.
Levy: Sao anh đầu
tư vào giáo dục?
Zuckerberg: Chuyện
nầy không phải tình cờ. Priscilla, vợ tôi, vốn là một giáo viên khi cô ấy tốt
nghiệp Harvard. Hiện nay, tôi đang dạy một môn học tại trường trung học cơ sở ở
East Menlo Park.
Levy: Anh đang
dạy học sao?
Zuckerberg:
Vâng, mỗi tuần một lần, vào thứ ba. Tôi dạy cách lập doanh nghiệp. Mỗi tuần,
tôi dạy một kỹ năng. Mỗi nhóm học sinh của tôi nhận một dự án ngoài giờ. Khi kết
thúc môn học, các em sẽ đến thăm trụ sở Facebook và tìm cách bán sản phẩm của
các em tại đó.
NGỌC GIAO lược
dịch