Cuối tháng 2/2016, sau
khi diễn thuyết tại hội thảo Mobile World Congress (Barcelona, Tây Ban Nha,
22-25/2/2016) về thực tại ảo (Virtual Reality - VR), Mark Zuckerberg sang Đức để
nhận giải thưởng Axel Springer Award dành cho doanh nhân có sáng tạo đột phá và
có trách nhiệm xã hội. Người sáng lập Facebook đã trò chuyện với Mathias
Döpfner - giám đốc điều hành tập đoàn truyền thông Axel Springer - về sự phát
triển công nghệ và Facebook.
Hỏi:
Thực tại ảo đang là chủ đề yêu thích của
anh. Vì sao anh dám chắc đó không phải là chuyện thổi phồng?
Zuckerberg:
Ở đây có vấn đề ngắn hạn và vấn đề dài hạn. Người ta thường nói rằng tiên đoán
điều gì sẽ diễn ra trong tương lai sau 10 năm hoặc 20 năm dễ hơn là sau 3 năm tới.
Hiện đang có vài xu hướng lớn. AI [Artificial Intelligence - trí tuệ nhân tạo]
ngày càng tiến bộ, con người sẽ chữa được nhiều bệnh hơn trong tương lai. Chuyện
này ai cũng biết, vấn đề thực sự là biết được cách thức đạt tới điều ấy.
Chúng tôi dám chắc thực tại ảo sẽ là
công nghệ quan trọng. Tôi khá tin vào điều này và nghĩ rằng đây chính là lúc để
đầu tư. Trong tuần này chúng tôi thông báo rằng đã có một triệu giờ xem phim
trên thiết bị Gear VR. Gear VR là sản phẩm chỉ mới được đưa ra thị trường do sự
hợp tác giữa chúng tôi và Samsung. Đây là thành công rất đáng kể.
Thực tình tôi không biết sẽ mất bao
lâu để xây dựng hệ sinh thái cho VR. Có thể là 5 năm, có thể là 10 năm, 15 năm
hoặc 20 năm. Tôi đoán phải cần ít nhất 10 năm. Đã cần đến 10 năm để đi từ việc
sản xuất chiếc smartphone đầu tiên đến sự hình thành thị trường smartphone rộng
lớn. Điện thoại BlackBerry được sản xuất lần đầu năm 2003. Đến năm 2013, số lượng
điện thoại BlackBerry mới đạt tới khoảng một tỉ chiếc. Vì vậy tôi không thể
hình dung VR đi nhanh hơn thế.
Hỏi:
Facebook đã đầu tư hai tỉ USD vào Oculus
Rift. Chắc rằng anh thực sự quan tâm đến chiếc kính thực tại ảo đó, quan tâm đến
lĩnh vực sản xuất phần cứng? Xin anh giải thích chiến lược VR của Facebook.
Zuckerberg:
Chúng tôi chủ yếu quan tâm đến phần mềm cho VR. Tuy nhiên, ở thời kỳ sơ khai của
việc phát triển bất kỳ nền tảng nào, ta cần quan tâm đồng thời cả phần cứng lẫn
phần mềm. Sự chuyên biệt hóa chỉ có tác dụng tốt trong thời kỳ sau. Vào lúc ấy
sẽ có công ty chuyên về phần cứng cho VR và công ty chuyên về phần mềm cho VR. Phần
cứng và phần mềm đều có những bước phát triển nhanh chóng nên chúng tôi thấy cần
có sự phối hợp giữa hai lĩnh vực phần cứng và phần mềm. Hiện nay chúng tôi quan
tâm nhiều đến phần cứng cho VR nhưng về lâu dài chúng tôi sẽ hoạt động trong
lĩnh vực phần mềm cho VR.
Giám đốc điều hành Axel Springer phỏng
vấn Mark Zuckerberg.
Hỏi:
Công nghệ VR mà Facebook đang phát triển
trong sản phẩm Oculus Rift được chia sẻ với Samsung để tạo ra sản phẩm Gear,
đúng không?
Zuckerberg:
Đúng vậy. Và sản phẩm Gear có lẽ sẽ phổ biến hơn nhiều so với Rift.
Hỏi:
Anh chia sẻ công nghệ với đối thủ cạnh
tranh vì muốn VR trở nên phổ biến càng nhanh càng tốt, đúng không?
Zuckerberg:
Đúng vậy. Cần lưu ý rằng Rift và Gear là hai sản phẩm có giá bán khác nhau, chất
lượng khác nhau.
Hỏi:
600 USD cho Rift và 100 USD cho Gear?
Zuckerberg:
Vâng. Nói cho đúng, cần nhiều hơn 600 USD cho Rift vì phải có máy tính PC rất mạnh.
Nếu người dùng chưa có sẵn máy tính PC mạnh, họ sẽ phải mua máy mạnh với giá khoảng
1000 USD.
Hỏi:
Thế anh có bao giờ tự hỏi rằng vì sao người
ta cần mua Oculus Rift?
Zuckerberg:
Vì nó cung cấp trải nghiệm VR tốt hơn rất rất nhiều. Để có được trải nghiệm tốt
nhất với VR, phải có máy tính PC mạnh nhất. Với Rift, không những anh có thể
quay nhìn cảnh vật chung quanh, mà còn có thể dùng đôi tay của mình để tác động
lên các vật thể trong không gian VR và thấy chúng thay đổi tức thời. Chẳng hạn,
anh có thể dùng Rift để chơi bóng bàn với người khác qua mạng. Để tạo ra cảm
giác như chơi bóng bàn thực, phải có bộ xử lý mạnh, không có cách nào khác.
Hỏi:
Theo anh, VR có thể tạo nên lĩnh vực kinh
doanh lớn đến mức nào? Tôi thấy Goldman Sachs [công ty dịch vụ tài chính] dự
đoán rằng đó là lĩnh vực kinh doanh trị giá khoảng 80 tỉ USD.
Zuckerberg:
Chúng tôi đặt cược vào hai xu hướng. Điều trước tiên, mọi người luôn muốn tự thể
hiện theo cách ngày càng sống động. Nếu nhớ lại hoạt động chia sẻ và thụ hưởng
thông tin trên mạng mười năm về trước, anh thấy phần lớn là chữ viết. Giờ đây
phần lớn là hình ảnh. Nhìn về phía trước, tôi nghĩ phần lớn sẽ là phim ảnh
(video), có chất lượng ngày càng cao.
Nhưng phim ảnh không phải là đích cuối
cùng, tôi nghĩ mọi người sẽ muốn ghi nhận và chuyển tải tức thời trọn vẹn một cảnh
vật, trọn vẹn một căn phòng, cho người khác thấy tức thời mình đang làm gì và
tương tác tức thời với người khác trong không gian ấy.
Hỏi:
Vậy là anh hình dung một ngày nào đó, trò
chuyện trong không gian VR là cách giao tiếp thông dụng nhất?
Zuckerberg:
Đúng vậy.
Hỏi:
Khi nào ngày đó sẽ đến?
Zuckerberg:
Tôi không rõ. Tôi nghĩ khi đó việc giao tiếp trong VR phải chứng tỏ được ưu thế
vượt trội so với cách thức hội thảo từ xa nhờ máy quay phim (video conference).
Nhưng phương án đơn giản cho giao tiếp trong VR có lẽ sẽ được thực hiện trong
tương lai khá gần.
Tóm lại, có hai xu hướng. Một là hướng
đến giao tiếp qua phim ảnh với chất lượng ngày càng cao. Hai là giao tiếp hòa
nhập trong môi trường tạo bởi máy tính. Môi trường như vậy giúp phát triển mạnh
mẽ nhiều loại phần mềm ứng dụng.
Ngày trước, máy tính có kích thước
như một tòa nhà và người điều khiển chúng phải được đào tạo theo cách chuyên
nghiệp. Sau đó, chúng ta có được máy tính PC như một chiếc thùng trên bàn, tuy
làm được rất nhiều việc nhưng không phải là thứ được nhiều người thực sự ưa chuộng.
Giờ đây chúng ta có điện thoại thông minh, hầu như mỗi người đều có một chiếc
và yêu thích nó.
Nhưng điện thoại vẫn có những bất tiện:
người dùng phải lấy nó ra khỏi túi, màn hình không đủ lớn, không tạo được sự hòa
nhập tự nhiên. Tôi thực sự tin rằng nền tảng mới luôn xuất hiện sau mỗi 10 hoặc
15 năm. VR hiện đang là ứng viên nhiều triển vọng nhất.
Mark Zuckerberg tại hội thảo Mobile
World Congress 2016.
Hỏi:
Vài ngày trước có một bức ảnh gây ấn tượng
của anh tại Barcelona: anh đi từ phía khán giả lên sân khấu nhưng khán giả
không ai hay biết vì họ đều đang đeo kính VR. Trong ảnh, anh mỉm cười, có vẻ
thú vị vì điều đó. Những người phê phán VR cho rằng đây là ví dụ rõ ràng cho thấy
VR chỉ cô lập con người, làm mất đi trải nghiệm tập thể. Anh nghĩ sao về điều
này?
Zuckerberg:
Phải nói ngược lại mới đúng. Những người đeo kính VR vào lúc ấy đang xem một đoạn
phim về nhóm trẻ em chơi bóng đá ở nơi xa xôi nào đó. Họ có thể quay nhìn chung
quanh, thấy những đứa trẻ như đang ở quanh mình. Tất cả khán giả ở đó cùng chia
sẻ trải nghiệm ấy. Điều này không thể có nếu không có VR. Anh hình dung khán giả
cùng theo dõi một phim nhưng mỗi người có được cảm nhận rất riêng, hơn hẳn so với
xem phim ở rạp bình thường, vì họ thực sự ở bên trong cảnh phim.
Tôi nghĩ người ta thường e ngại mỗi
khi công nghệ mới xuất hiện trong cuộc sống của họ. Nhiều người lo lắng công nghệ
liên lạc mới thu hút quá nhiều sự chú ý, làm con người trở nên biệt lập, thay
vì trò chuyện với nhau một cách bình thường. Nhưng con người về bản chất luôn
có tính xã hội. Vì vậy tôi nghĩ trong thực tế, nếu công nghệ mới không giúp con
người hiểu nhau tốt hơn, công nghệ đó không thể đi vào cuộc sống, không thể
thành công.
Anh thử ngược dòng thời gian, hình
dung sự xuất hiện của quyển sách đầu tiên. Tôi chắc rằng lúc ấy có người nói rằng:
"Tại sao phải đọc sách khi anh có thể trò chuyện với người khác?". Thực
ra, đọc sách giúp ta tự đắm mình vào suy nghĩ của ai đó. Với báo chí, điện thoại,
truyền hình, sự thể cũng tương tự. Tôi chắc rằng chẳng bao lâu sẽ đến lượt VR.
Hỏi:
Vài tuần trước tôi gặp một doanh nhân
Israel. Anh ấy là nhà thần kinh học. Anh cho biết đang phát triển công nghệ cho
phép tạo ra VR trong không gian tự do, đại loại như ảnh toàn ký (hologram). Anh
ấy khẳng định trong vài năm nữa, có thể quan sát VR mà không cần thiết bị trùm
vào đầu như hiện nay. Điều này thật thú vị nhưng có vẻ giống chuyện khoa học viễn
tưởng.
Zuckerberg:
Tôi nghĩ cuối cùng chúng ta sẽ đạt đến điều đó dù tôi không biết khi nào. Cuối
cùng chúng ta sẽ có thiết bị trông giống như kính đeo mắt bình thường, mang đến
trải nghiệm hòa nhập trọn vẹn như thiết bị VR hiện nay hoặc hiển thị thông tin
cần thiết tùy nơi tùy lúc khi ta di chuyển đây đó.
Vâng, có những người đang tạo ra tiến
bộ từng bước nhưng tôi vẫn nghĩ để đạt được điều đó cần giải quyết được các vấn
đề có tính cơ bản của quang học. Một khi vấn đề khoa học được giải quyết, chúng
ta còn phải biết cách ứng dụng tiến bộ ấy để có thể chế tạo sản phẩm ở quy mô lớn.
Sản phẩm có giá 10.000 USD hoặc
20.000 USD sẽ không có nhiều người dùng. Đó là trường hợp của những máy tính đầu
tiên. Khi hầu như mọi người đều mua được sản phẩm, sản phẩm đó trở thành một phần
của cuộc sống. Để được như vậy, tôi nghĩ phải mất thêm nhiều năm nữa.
Mark Zuckerberg dùng thiết bị Gear
VR cùng lãnh đạo tập đoàn Axel Springer.
Hỏi:
Anh hình dung Facebook sau mười năm nữa sẽ
như thế nào?
Zuckerberg:
Với tầm nhìn mười năm, chúng tôi đầu tư vào ba lĩnh vực. Trước tiên là đầu tư
vào việc kết nối Internet, sao cho mọi người đều có khả năng kết nối Internet.
Hiện nay chỉ có 3 tỉ trong số 7 tỉ người trên thế giới có điều kiện kết nối
Internet. Đây là vấn đề lớn. Nhờ Internet, người sống ở nơi không có trường học
tốt vẫn có thể tiếp cận rất nhiều tài liệu học tập, người sống ở nơi không có
bác sĩ tốt có thể tìm được kiến thức cần thiết để bảo vệ sức khỏe.
Lĩnh vực thứ hai là AI. Chúng tôi hy
vọng nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này sẽ dẫn đến những thay đổi quan trọng
trong xã hội. AI giúp giảm thiểu tai nạn giao thông với xe tự động. AI giúp chẩn
đoán bệnh, điều trị bệnh tốt hơn. Con người sẽ có cuộc sống an toàn hơn, có sức
khỏe tốt hơn. AI cũng sẽ giúp mọi người tự học hiệu quả, không cần ai giám sát.
Đó sẽ là cách học chủ yếu của con người trong tương lai.
Lĩnh vực thứ ba mà tôi tin sẽ là nền
tảng tiếp theo cho phần mềm ứng dụng, đó là VR và AR [Augmented Reality - thực
tại tăng cường]. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ làm việc trong ba lĩnh vực này suốt
mười năm tới hoặc hơn nữa. Mười năm nữa, với những tiến bộ trong ba lĩnh vực ấy,
phần lớn nhân loại được kết nối Internet, số người dùng Facebook sẽ lớn hơn nhiều,
họ sẽ có nhiều công cụ mạnh mẽ để chia sẻ và trải nghiệm cuộc sống.
Khả năng chia sẻ trọn vẹn cảnh vật
chung quanh sẽ tạo nên những thứ ngày càng quý giá. Chẳng hạn, Priscilla [vợ của
Zuckerberg] và tôi đã bàn với nhau về việc ghi lại hình ảnh bé Max của chúng
tôi đi những bước đầu tiên. Tôi muốn dùng máy quay 360 độ. Nhờ vậy, nếu những
người thân của tôi không có mặt ở đó, sau này họ có thể xem đoạn phim như thể họ
đang có ở đó. Tôi nghĩ trải nghiệm như vậy sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực.
NGỌC
GIAO lược dịch