Dường
như đó là tâm sự của một người bất đắc chí và tuyệt vọng. Thế nhưng ông vẫn
sống, vẫn đi diễn thuyết khắp thế giới với tư cách người sáng lập FSF (Free
Software Foundation - Tổ chức Phần mềm Tự do). Không ai có thể phủ nhận tác
động sâu sắc của FSF đối với sự hình thành xã hội thông tin hiện tại.

Richard Stallman
Trong quyển sách biên khảo "Hacker: Những người hùng của cuộc cách mạng máy tính" (1984),
nhà báo kỳ cựu Steven Levy gọi Richard Stallman là "người cuối cùng của
cộng đồng hacker chân chính". Gặp lại Stallman đầu năm 2010, Levy nhận
thấy Stallman ngày càng cô độc hơn trong thế giới hiện đại xa lạ với lý tưởng
sống của ông.
Những hacker mà Levy nhắc đến thuộc về cộng đồng những
chuyên viên máy tính ở thời kỳ hình thành mạng Internet và hệ điều hành Unix
trong hai thập niên 1960 và 1970, những người đam mê phân giải hệ thống máy
tính phức tạp và tạo ra những chức năng mới, biến điều không thể thành có thể.
Hacker rất ghét hành động "giấu nghề", xem sự chia sẻ mã nguồn phần
mềm để học hỏi lẫn nhau là nguyên tắc đạo đức cơ bản của cộng đồng. Hacker rất
ghét sự phân biệt đối xử dựa vào bằng cấp hoặc chức vụ, chống lại việc ban
quyền ưu tiên sử dụng hệ thống máy tính cho một số người "bề trên",
xem sự bình đẳng trong việc sử dụng hệ thống máy tính là một phần của nhân
quyền. Điều này có thể khó hiểu đối với thế hệ lớn lên sau thời kỳ bùng nổ máy
tính cá nhân.
Trong thập niên 1980, giới truyền thông tùy tiện dùng từ hacker
để chỉ những kẻ "bẻ khóa" (cracker), xâm nhập bất hợp pháp các hệ
thống máy tính để đánh cắp thông tin hoặc chỉ đơn thuần thỏa mãn sở thích bệnh
hoạn. Hacker chân chính luôn dùng tên thật, kể cả khi vô hiệu hóa những biện
pháp an ninh để chứng minh nhược điểm của hệ thống hoặc để khẳng định quyền tự
do của mình. Hacker luôn khinh miệt cracker. Thế nhưng ngày nay nghĩa gốc của
từ hacker đã trở thành nghĩa hiếm.
Stallman trưởng thành từ nền văn hóa hacker và phong trào
hippie. Khi thời thế đổi thay, ông trở nên lạc lõng. Đối với nhiều người, Stallman
là kẻ lập dị với quan niệm cực đoan về quyền tự do. Nay đã ở tuổi 53, Stallman gần
như không cắt tóc, không vợ con, không nhà, chỉ ngủ trên võng trong một gian
phòng nhỏ hẹp, bừa bộn thuộc khuôn viên của MIT (Massachusetts Institute of
Technology - Viện Công nghệ Massachusetts). Có người chắc chắn rằng Stallman là
một bệnh nhân tự kỷ.
Mẹ của cậu bé Stallman ngày xưa cũng nghi ngờ con mình mắc
bệnh tự kỷ và phải mời bác sĩ chuyên khoa điều trị. Thường bị bạn bè trêu chọc
khi đến trường, cậu bé Stallman co vào thế giới riêng của mình, thế giới tràn
ngập niềm vui thích đối với môn Toán cùng các môn khoa học tự nhiên. Đối với
cậu, những đứa trẻ ở bên ngoài thế giới đó đều ngu xuẩn!
Ở tuổi 12, sau lần tham dự "trại hè khoa học",
Stallman được tuyển chọn vào chương trình đào tạo dành cho học sinh có năng
khiếu thuộc Đại học Colombia. Khi học lớp 12, Stallman nhận được việc làm cuối
tuần tại một trung tâm nghiên cứu của IBM ở gần nhà (Manhattan, New York).
Nơi đó, anh được làm quen với ngôn ngữ lập trình PL/I trên máy IBM System/360.

Richard Stallman - Học sinh năng khiếu của Đại học
Colombia.
Sau bậc học phổ thông, khi đang học năm thứ nhất ngành Vật
lý tại Đại học Harvard, Stallman trở thành lập trình viên chính thức tại Phòng
thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo (Artificial Intelligence Laboratory) của MIT, bắt
đầu tham gia vào cộng đồng hacker. Những vấn đề của ngôn ngữ lập trình LISP thu
hút Stallman ngày càng mạnh mẽ, khiến anh bỏ dở chương trình tiến sĩ Vật lý tại
Harvard. Hacker Stallman cũng luôn "nổi đình đám" trong những dự án
lập trình hệ thống dùng ngôn ngữ C, đặc biệt nổi tiếng với việc hóa giải hệ
thống kiểm soát mật khẩu tại MIT.
Trong lớp học hoặc ở nơi làm việc, Stallman là người
"khó chịu" khi luôn vạch ra sai lầm kiến thức của thầy giáo hoặc cấp
trên, luôn phản ứng quyết liệt với những biện pháp mà anh cho là vi phạm quyền
tự do.
Năm 1983, Stallman thành lập nhóm dự án phần mềm tự do GNU với
nguồn tiền mà anh có được từ các giải thưởng công nghệ. Mục tiêu cuối cùng của
dự án là xây dựng một hệ điều hành tự do có chất lượng ngang với Unix, nhưng
dùng cho máy tính cá nhân. GNU là viết tắt của "GNU is Not Unix" (GNU
không phải là Unix). Stallman diễn nghĩa cho từ GNU bằng chính từ GNU như một
cách thể hiện giải thuật đệ quy mà anh yêu thích.
Năm 1984, Stallman sáng lập FSF. Trong mọi dịp có thể,
Stallman trình diễn "Hành khúc Phần mềm Tự do" (Free Software Song) -
bài hát do anh sáng tác - để quảng bá cho FSF.
Về khái niệm phần mềm tự do, Stallman giải thích: "Phần mềm tự do là phần mềm cho người dùng
quyền tự do sử dụng. Phần mềm tư hữu không phải là phần mềm tự do vì quyền sử
dụng bị hạn chế: bạn không được cung cấp mã nguồn để thay đổi phần mềm theo ý
mình, bạn cũng bị cấm chia sẻ phần mềm với người chung quanh. Phần mềm tự do
khuyến khích việc chia sẻ. Bạn có thể học hỏi cách thức hoạt động bên trong
phần mềm, có thể đưa ra phiên bản cải tiến của phần mềm. Nhờ vậy, toàn bộ cộng
đồng đều được thụ hưởng lợi ích".
Theo quan niệm của Stallman, phần mềm phải được bán kèm theo
mã nguồn để tôn trọng quyền tự do của người dùng. Người dùng có quyền biết rõ
phần mềm thực sự làm những gì trên máy tính của họ. Máy tính của Stallman chỉ
dùng phần mềm tự do, kể cả phần mềm BIOS. Điều hiển nhiên đối với giới hacker thuở
trước quả thực lạ lùng đối với người dùng máy tính ngày nay.
Theo đúng khuôn khổ của luật bản quyền tác giả (copyright),
Stallman đề ra điều lệ sử dụng GPL (GNU General Public License) cho phần mềm tự
do, ghi rõ các quyền: tự do sử dụng và nghiên cứu mã nguồn, tự do sao chép và
chia sẻ mã nguồn với người khác, tự do cải tiến mã nguồn, tự do phân phối mã
nguồn cải tiến.
Rất thích chơi chữ, Stallman gọi điều lệ GPL là bản quyền copyleft.
"Vào những năm
1980, khi có dịp gặp gỡ những sinh viên vừa tốt nghiệp ngành khoa học máy tính,
tôi nhận ra họ chưa từng thấy một chương trình thực sự trong đời, họ chỉ biết
những chương trình "đồ chơi" từ các bài tập trong trường vì mọi
chương trình thực sự đều là bí mật thương mại.
Bản quyền copyleft đạt
được hai điều. Trước hết, nó bảo đảm cho mọi người dùng phần mềm có được quyền
tự do. Thứ hai, nó khuyến khích người dùng cải tiến phần mềm để đền đáp cho cả
cộng đồng. Những người cải tiến phần mềm tự do thường làm việc cho trường đại
học hoặc công ty và ở cả hai nơi đó người ta đều quan tâm đến những mối lợi tài
chính. Người cải tiến phần mềm tự do có thể muốn chia sẻ với cộng đồng nhưng
ông chủ của họ sẽ không đồng ý nếu thấy có thể thu lợi từ những cải tiến đó.
Copyleft bảo đảm cho điều này không xảy ra".
Để thực hiện dự án GNU, Stallman tập trung xây dựng trình
biên dịch ngôn ngữ C mang tên GCC. Năm 1985, GCC trở thành trình biên dịch hoàn
chỉnh, có thể biên dịch chính mã nguồn của nó.
Năm 1994, việc xây dựng các bộ phận của hệ điều hành GNU gần
như hoàn tất, trừ phần lõi (kernel) còn dở dang. Đó cũng là thời điểm Linus
Torvalds - sinh viên Đại học Helsinki
(Phần Lan) - đưa ra phần lõi hệ điều hành mang tên Linux. Vì đã dùng trình biên
dịch GCC để tạo ra Linux, Torvalds công bố mã nguồn Linux với điều lệ sử dụng
GPL như một lời cảm ơn đối với dự án GNU và tổ chức FSF.
Lõi Linux cùng các phần mềm của GNU hợp thành hệ điều hành
hoàn chỉnh. Stallman muốn hệ điều hành đó phải mang tên GNU/Linux. Thế nhưng
quyền lực của giới truyền thông đã làm cho xã hội lãng quên mối liên hệ gốc gác
của hệ điều hành Linux ngày nay với dự án GNU.
Việc công bố mã nguồn Linux và trình duyệt Netscape kích
thích phong trào phần mềm nguồn mở phát triển độc lập với FSF. Phong trào nguồn
mở chấp nhận việc giữ bí quyết công nghệ khi cần thiết, vốn là điều mà Stallman
luôn phản đối mạnh mẽ.
Ngày nay, tuy phần mềm tự do và nguồn mở (Free and Open
Source Software - FOSS) được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, Stallman vẫn
không lạc quan. Thực tại vẫn quá cách biệt với lý tưởng mà ông tranh đấu. Nhiều
chính phủ chỉ triển khai việc sử dụng FOSS để buộc Microsoft giảm giá phần mềm
hơn là đồng cảm với quan niệm của Stallman về tự do. Thiếu kế hoạch dài hạn cho
việc phát triển nguồn nhân lực đủ khả năng khai thác FOSS, các nước đang phát
triển dần dần trở lại với "qũy đạo Microsoft" qua những dự án được
tài trợ hậu hĩnh.
Không ít người xem Stallman là kẻ cuồng tín với "tôn
giáo" mà ông khởi xướng. Dù vậy, không ai dám nói rằng cuộc đời Stallman
đã dành cho những điều vô nghĩa.
NGỌC
GIAO