Trong tháng 9/2014, mạng xã hội thử nghiệm
mang tên Ello
trở thành đề tài nóng của giới truyền thông. Ello được thiết kế hướng đến người
dùng thiết bị di động và khẳng định hướng phát triển khác với Facebook: không
khai thác dữ liệu về những mối quan hệ xã hội của người dùng, không sống bằng
quảng cáo. Ello dự định sẽ thu phí từ một số dịch vụ cộng thêm. Tên gọi Ello (bỏ
ký tự đầu của từ hello) tỏ rõ quyết
tâm "giản lược" mạng xã hội (so với Facebook). Ello sẽ không xét nét
về cách chọn tên của người dùng. Nhiềuý kiến cho rằng số lượng thành viên của
Ello tăng nhanh là do Facebook không đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiều tên gọi, thể
hiện nhiều tính cách của người dùng.
Facebook, đúng như tên gọi, xem trọng việc
xác định "ai là ai", do vậy luôn khuyến khích người đăng ký dùng tên
thực của mình. Danh xưng ở Facebook không được phép có những ký tự hoặc cụm từ
bất thường. Người dùng Facebook không được phép giả làm người khác.
Với những ràng buộc của Facebook, người
dùng thực ra vẫn có thể "giả dạng" ở mức độ nhất định. Dù sao, so với
nhu cầu thực tế đa dạng, nhiều người cho rằng Facebook quá "hà khắc".
Những người của công chúng có nhu cầu dùng tên gọitrên Facebook gắn với danh tiếng
đã gầy dựng, khác với tên thực. Những người đồng tính, những người chuyển giới thường
khao khát dùng tên gọi khác tên thực. Và một số đông muốn giả dạng, muốn che giấu
tên thực của mình bằng những tên lạ, muốn trải nghiệm những "cuộc sống số"
hoàn toàn khác cuộc sống thực. Những fakester
như vậy thường cảm thấy nhu cầu của mình chỉ là một cách bảo vệ quyền riêng tư
hoặc chỉ là khát vọng sáng tạo, hoàn toàn chính đáng.
Những nghệ sĩ giả gái (drag queen) lập hẳn
trang mạng riêng Change.orgđể thu thập
"chữ ký", thể hiện nguyện vọng mạnh mẽ của giới biểu diễn nói chung,
đề nghị Facebook hủy bỏ những hạn chế về việc chọn tên. Đáp lại, Facebook giải
thích: "Nếu muốn dùng tên thay thế
trên Facebook, người dùng có thể chọn nhiều giải pháp, trong đó có việc thể hiện
biệt danh bên dưới tên của họ trong phần tiểu sử, hoặc tạo riêng một trang chỉ
dùng tên thay thế". Giải pháp của Facebook không làm những người đề đạt
nguyện vọng hài lòng vì nhu cầu dùng tên khác luôn gắn với mong muốn tạo lập một
nhân thân khác, độc đáo, tách rời con người thực.

Một nghệ sĩ giả gái
phản đối quy định chọn tên ở Facebook.
Nhà bình luận Chris Taylor (tạp chí Mashable, 26/9/2014) hồi
tưởng: "Vào năm 2003, Friendster
cũng có quy định buộc dùng tên thực, nhưng khắc nghiệt hơn Facebook hiện nay. Hồi
đó, người dùng Friendster không chỉ bị buộc dùng tên thực, mà còn phải dùng ảnh
chân dung thực của mình. Nếu không tuân thủ quy định đó, tài khoản Friendster của
bạn có nguy cơ bị xóa sạch". Dù vậy, theo Taylor, sự khó chịu của người
dùng hiện nay về quy định buộc dùng tên thực trên Facebook không kém gì ở Friendster
trước đây. Taylor cảnh báo: nếu không mềm dẻo hơn, Facebook cũng sẽ đi theo vết
của Friendster vì "không có công ty
nào sống mãi"và "ngày mai
luôn đến nhanh hơn người ta nghĩ".
Jonathan Abrams,vốn là chuyên viên lập
trình của Công ty Netscape, sáng lập Friendster vào năm 2002. Chỉ sau một năm,
sự phát triển của Friendster có tính bùng nổ. Friendster và Abrams nhanh chóng
trở thành đề tài nóng của báo chí năm 2003. Ngày ấy, nhà báoLessley Anderson
(báo SF
Weekly News, 13/8/2003) mô tả Friendster như một phát hiện thú vị:
"Việc
gia nhập Friendster rất dễ dàng, chỉ cần bạn nhận được thư mời từ một người bạn.
Không mất phí gì cả, nên bạn cứ thử xem. Bạn sẽ phải trả lời những câu hỏi về
nghề nghiệp, về sách, phim, nhạc mà bạn yêu thích, về những điều khác mà bạn
quan tâm. Sau cùng, bạn tải lên ảnh chân dung của chính bạn.
Ảnh
chân dung thu nhỏ của những người bạn quen biết xuất hiện ở trang tiểu sử của bạn,
trông như bộ sưu tập danh thiếp vậy. Nếu bấm vào ảnh chân dung nào đó, bạn sẽ
thấy trang tiểu sử của họ và những người quen của họ và cứ thế. Ngay cả khi chỉ
có vài người bạn, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều bạn bè của bạn bè. Bạn bất ngờ biết
được mạng lưới quan hệ xã hội của hàng ngàn người".
Những gì Anderson mô tả rất quen thuộc với
người dùng Facebook ngày nay. Chính Mark Zuckerberg - người sáng lập Facebook -
từng thừa nhận rằng đã tìm hiểu cách thức hoạt động của Friendster khi gầy dựng
Facebook.
Dường như chưa quen với tham vọng phản ánh
quan hệ xã hội ở quy mô lớn, giới truyền thông ngày ấy xem Friendster thuộc loại
dịch vụ tìm người phối ngẫu, dù Abrams nhiều lần khẳng định dịch vụ của anh có
mục tiêu cao hơn việc se duyên. Abrams cũng bác bỏ điều mà báo chí đồn thổi rằng
anh thành lập Friendster vì không tìm được bạn gái mới sau khi... thất tình!
Quả thực, nhiều người tìm thấy ở Friendster
những lợi ích mới, không chỉ giới hạn trong việc tìm bạn đời. "Những người
thích đùa" nhanh chóng kéo đến Friendster với đủ loại biệt hiệu. Dùng tên
của danh nhân, giả dạng người nổi tiếng, nhập vai nhân vật trong phim ảnh, truyện
tranh, dùng hình kỳ dị làm chân dung là những sở thích có sức cuốn hút kỳ lạ.
Các "dị nhân" ở Friendster thường có được rất nhiều bạn và tranh đua
ngấm ngầm với nhau về số lượng bạn đã "thu hoạch".



Friendster và
Jonathan Abrams là đề tài nóng của báo chí năm 2003.
Nói chung, những fakester không tồn tại được lâu. Friendster thường xuyên kiểm tra
những tài khoản mới lập và thẳng tay xóa bỏ fakester. Abrams có lý do để lo ngại
vì những vụ giả danh người nổi tiêng để lừa đảo đã thực sự xảy ra ở Friendster.
Những realster
(tài khoản dùng tên thực) cũng có thể bị "trừng phạt" nếu dùng ảnh
chân dung "không thích hợp". Những người thích "ảnh độc" có
thể bất ngờ phát hiện "chân dung" của mình được Friendster thay thế bằng
dấu hỏi xám xịt.
Khi tìm được trang của Abrams trên
Friendster, các fakester liên tục gửi lời yêu cầu đến Abrams, đòi hủy bỏ các
quy định hạn chế. Abrams không trả lời các yêu cầu mà anh cho rằng không chính
đáng và lẳng lặng xóa bỏ tài khoản của các fakester đề xuất yêu cầu. Hành động
thô bạo của Abrams khiến cộng đồng fakester nổi giận, phản ứng bằng cách thường
xuyên tạo hàng loạt tài khoản mới, nhằm "tiêu hao sinh lực"
Friendster. Trên Friendster xuất hiện hàng loạt tài khoản nhái Abrams (mang tên
châm chọc như Jonny Rotting, Jonny Nitro, Elton Jon, Gay Clone Jonny,...) với
những ảnh chân dung ngô nghê và trang tiểu sử... nhem nhuốc.
Ngày ấy, trên mạng còn xuất hiện
"Tuyên ngôn Fakester" (Fakester Manifesto), nhái theo bản Tuyên ngôn
Độc lập của nước Mỹ (Declaration of Independence) để khẳng định "quyền được
sống" của fakester. Lại có cả diễn đàn "Cách mạng Fakester" (FakesterRevolution)
được lập ra ở Yahoo! Groups.
Taylor cho rằng đường lối cứng nhắc, sai lầm
của Abrams đã tạo ra hành động phản kháng mạnh mẽ của những fakester, đưa đến
thất bại của Friendster. Nhìn quá khứ theo cách khác, Abrams cho rằng
Friendster đã không may mắn có được nguồn đầu tư để phát triển hạ tầng đến quy
mô lớn, trong thời gian đủ nhanh như Facebook. Khi số lượng người dùng tăng
nhanh, Friendster thường xuyên bị quá tải.
Quy định dùng tên thực của Facebook, cũng
như Friendster ngày trước, xuất phát từ mục tiêu căn bản đã chọn. Facebook
không thể là mọi thứ đối với mọi người. Facebook không thể là định nghĩa duy nhất
về mạng xã hội.
Friendster đã không thể đáp ứng thỏa đáng
nhu cầu giao tiếp của chính Abrams. Anderson kể rằng trong một lần gặp gỡ,
Abrams đã đề nghị ông giới thiệu cho anh... một người bạn gái vì anh quá bận,
không có thời gian tìm kiếm. Anderson đáp rằng ông quen biết một cô gái tên là
Kerry, còn độc thân, rất dễ thương và là thành viên của... Friendster. Anderson
đã mở trang tiểu sử của Kerry trên Friendster cho Abrams xem. Abrams thấy ảnh
chân dung của Kerry là một đầu cá mập gớm ghiếc!
NGỌC GIAO