Trong loạt sút luân lưu của trận chung kết tại RoboCup Soccer 2013 (30/6/2013), đội JoiTech
của Nhật Bản đã thắng đội HuroEvolution AD của Đài Loan với tỉ số 4-3. Tiền đạo
của đội Đài Loan đã sút một cú bật cột dọc cầu môn (âu cũng là chuyện thường
tình trong bóng đá), đành chịu thất bại. Lẽ ra đội Nhật có thể kết thúc loạt
sút luân lưu, giành chiến thắng sớm hơn nếu tiền đạo của họ không phạm lỗi. Lỗi
của tiền đạo đội Nhật khi sút luân lưu là: không
tìm được bóng để sút. Điều mà con người thực hiện rất dễ dàng đôi khi trở
nên... bất khả thi đối với rô-bốt.
Trận
chung kết Adult Size giữa đội JoiTech của Nhật Bản (đang đứng giữ cầu môn) và đội
HuroEvolution AD của Đài Loan tại RoboCup 2013.
Dù phạm lỗi "ngớ ngẩn", rô-bốt của đội JoiTech đoạt
giải Best Humanoid (Rô-bốt hình người
tốt nhất) của RoboCup Soccer 2013.
RoboCup là cuộc tranh tài của những rô-bốt được chế tạo tại
các trường đại học trên thế giới, gồm nhiều nội dung, không chỉ có bóng đá. Với
tính đối kháng cao, các trận đấu của Cúp Bóng đá RoboCup Soccer, một trong các
nội dung của RoboCup, luôn thể hiện đỉnh cao của công nghệ rô-bốt, thu hút nhiều
người xem vì những diễn biến đầy kịch tính. Tại RoboCup, mọi rô-bốt đều vận
hành hoàn toàn tự động, không có sự điều khiển của con người hoặc máy tính bên
ngoài.
RoboCup đầu tiên được tổ chức năm 1997 tại Nagoya, Nhật Bản.
Năm 2008, RoboCup có thêm Cúp Bóng đá RoboCup Soccer. Mục tiêu của RoboCup là
khuyến khích sự phát triển của công nghệ cơ khí điện tử và trí tuệ nhân tạo.
Các trường đại học của trên 40 quốc gia đã tập trung tại thành
phố Eindhoven, Hà Lan, trong tuần cuối tháng 6/2013 để tham dự RoboCup 2013.
Trận chung kết giữa đội JoiTech của Nhật Bản và đội HuroEvolution
AD của Đài Loan thuộc giải đấu Humanoid
Adult Size, dành cho rô-bốt hình người có chiều cao hơn 130 cm. Theo luật
thi đấu đã thỏa thuận từ giải đấu trước, trận đấu chỉ là loạt sút luân lưu. Mỗi
đội chỉ có một rô-bốt, vừa là tiền đạo, vừa là thủ môn. Khi đến lượt sút cầu
môn, rô-bốt phải tự tìm bóng được đặt sau lưng, dẫn bóng từ cầu môn của mình đến
trước cầu môn đối phương và... sút (dĩ nhiên!). Với một vật cản đứng thù lù trên
sân và rô-bốt đối phương đứng giữa cầu môn, đó là nhiệm vụ không hề đơn giản.
Tuy rô-bốt vận hành tự động, "huấn luyện viên" của mỗi rô-bốt được
phép vào sân, áp sát "học trò" của mình để kịp thời... đưa tay đỡ cho
khỏi ngã, khi cần.
Trong giải đấu Humanoid
Teen Size, dành cho rô-bốt hình người có chiều cao từ 90 cm đến 120 cm, trận
chung kết diễn ra giữa đội NimbRo của Đức và đội CIT Brains Teen của Nhật
(30/6/2013). Mỗi đội có hai rô-bốt. Đội Đức giành chiến thắng áp đảo 4-0.
Khác với giải Humanoid Adult Size, trong giải Humanoid Teen
Size, "huấn luyện viên" không được vào sân, trừ trường hợp vào sân để
đưa rô-bốt bị ngã ra ngoài nếu rô-bốt không có khả năng tự đứng dậy. Điểm yếu
"chết người" của rô-bốt CIT Brains Teen là dễ mất thăng bằng và không
có khả năng tự đứng dậy. Trong khi đó, rô-bốt NimbRo có khả năng tự đứng dậy dù
ngã ngửa hoặc ngã sấp.
CIT Brains Teen là rô-bốt không đầu. Thay cho đầu, rô-bốt của
đội Nhật có một máy ghi hình gắn vào trục cổ. Rô-bốt NimbRo của đội Đức "đẹp
trai" hơn với mắt mũi "đàng hoàng", mái tóc dài màu trắng và chiếc
quần cụt màu đen (dù luật thi đấu hoàn toàn không bắt buộc rô-bốt... mặc quần
áo). Do đối phương dễ ngã, NimbRo thường ung dung dẫn bóng đến cầu môn trống
trơn, cẩn thận nhận dạng khung cầu môn bằng máy ghi hình, chậm rãi co một chân
và... đụng nhẹ vào bóng. Bóng chậm rãi lăn vào trong cầu môn trong tiếng reo hò
của đội Đức. Khi kết thúc hiệp một, đội Đức đã dẫn 3-0.
Trận
chung kết Teen Size giữa đội CIT Brains Teen của Nhật Bản và đội NimbRo của Đức
tại RoboCup 2013.
Qua hiệp hai của trận chung kết Humanoid Teen Size, đến
phiên rô-bốt Đức gặp trục trặc, mỗi đội chỉ còn một rô-bốt trên sân. Rô-bốt NimbRo
có một lần cứu nguy cho khung thành và một lần sút chính xác từ xa (giữa sân),
nâng tỉ số lên 4-0. Đến gần cuối trận, NimbRo có cơ hội đưa tỉ số lên 5-0 khi đứng
sát khung thành đối phương trống trơn với bóng nằm ngay chân. Vẫn chậm rãi như
trước, NimbRo co chân nhưng lại... vấp bóng, ngã sấp và không đứng dậy được (do
gần hết pin hoặc... quá "xúc động"?).
Marcell Missura - thành viên của đội NimbRo - tươi cười: "Nói thật, tôi nghĩ một đứa trẻ ba tuổi
có thể đá bại mọi đội rô-bốt hình người!".
Trong các giải đấu rô-bốt hình người còn có giải Standard Platform, trong đó hai đội đều
sử dụng rô-bốt do ban tổ chức cung cấp, mỗi đội có năm rô-bốt (có thể ít hơn).
Rô-bốt được dùng cho giải là rô-bốt Nao do Công ty Aldebaran Robotics (Pháp) chế
tạo. Rô-bốt Nao có gương mặt dễ thương với đôi mắt có đèn chớp để biểu lộ
"cảm xúc". Các rô-bốt Nao trong một đội có thể hoạt động phối hợp nhờ
truyền tin cho nhau bằng sóng Wi-Fi. Rô-bốt Nao có giá thành khoảng 5.000 USD.
Trong giải Standard Platform, hai đội cạnh tranh nhau bằng
khả năng lập trình rô-bốt để thực hiện chiến thuật riêng. Nếu lập trình tinh tế,
Nao trở nên thông minh nhưng có thể phản ứng chậm chạp vì "suy nghĩ phức tạp".
Một
trận đấu thuộc giải Standard Platform (dùng rô-bốt Nao) tại RoboCup 2013.
Giải Standard Platform vui nhộn hơn vì có nhiều rô-bốt trên
sân nhưng tính sáng tạo kém hơn vì các đội không cạnh tranh toàn diện từ phần cứng
đến phần mềm. Khi mỗi đội tự chế tạo rô-bốt của mình, sự ganh đua cải tiến từng
chi tiết nhỏ (bộ nguồn cấp điện, dầu cho hệ thống thủy lực,...) qua các mùa giải
đều góp phần vào chiến thắng. Giá thành của rô-bốt tự chế tại RoboCup có thể
lên đến 35.000 USD.
Không như các trận cầu rô-bốt hình người có nhịp độ chậm, diễn
biến trận cầu ở các giải khác nhanh hơn, bóng được sút mạnh hơn khi rô-bốt thực
sự là... rô-bốt, không cần có hình người, di chuyển vững vàng trên bánh lăn,
quay được 360 độ và có nhiều bộ cảm ứng gắn xung quanh. Các rô-bốt cỡ nhỏ trông
như chiếc bánh kem, chơi bóng nhỏ như quả gôn, có lực đẩy bóng mạnh, chạy trên
sân để tranh bóng một cách... hung dữ, trông như một bầy cá hổ piranha. Các rô-bốt cỡ trung trông như cột
phao trên biển, cũng chạy nhanh (tốc độ trung bình khoảng 22 km/h), đẩy bóng mạnh
và hầu như không ngã vì có mặt chân đế rộng. Các rô-bốt cỡ trung chơi trên sân
rộng nhất (kích thước 18 m x 12 m, giống như sân bóng đá trong nhà). Người hâm
mộ thường gọi đùa giải đấu của các rô-bốt cỡ trung không có hình người (Middle Size League - MSL) là giải
"R2-D2", theo tên rô-bốt trong phim Star Wars.
Trong các giải đấu như vậy, sự phối hợp giữa các rô-bốt theo
chiến thuật là yếu tố quan trọng nhất. Rô-bốt biết đẩy bóng ra khoảng trống cho
đồng đội đón bắt, giống như trong bóng đá thực. Majid Gholipour, đội trưởng đội
Iran (đại học mở Qazvin) tham dự giải MSL của RoboCup Soccer 2013, cho biết chiến
thuật của đội sẽ phức tạp hơn mùa trước: "Khi
bị dẫn trước, tất cả sẽ dồn lên tấn công. Khi đang dẫn bàn, tất cả sẽ lui về
phòng thủ, giống như bóng đá Ý vậy".
Không như bóng đá của người, bóng đá rô-bốt không có tiêu cực
(dù vẫn có người làm trọng tài để theo dõi trận đấu, đề phòng trường hợp chơi xấu).
Nhiều người hoài nghi "lý tưởng" của RoboCup
Soccer, xem như chuyện khôi hài: đá bại đội bóng vô địch World Cup 2050! Tuy cầu
thủ rô-bốt hiện còn thô vụng, điều đó hoàn toàn khả dĩ nếu so sánh chiếc máy
bay của năm 1913 với chiếc máy bay của năm 1950.
Ít ra, vào năm 2050, cầu thủ rô-bốt sẽ chạy rất nhanh, không
biết mệt, không bị cảm xúc chi phối, có tính kỷ luật rất cao, lại rẻ hơn nhiều
so với cầu thủ thực (đội Barcelona vừa trả 75 triệu USD để mua cầu thủ Neymar của
Brazil!).
NGỌC
GIAO