
Ngày 30/5/2013, trên trang mạng Blogging Windows có bài Continuing the Windows 8 vision with Windows
8.1 (nối tiếp tầm nhìn Windows 8 với Windows 8.1) của Antoine Leblond, người
phụ trách truyền thông của bộ phận phát triển Windows. Leblond giải thích mục
tiêu chiến lược của Windows 8 và những đổi mới trong phiên bản "đại
tu" Windows 8.1 sẽ được phát hành trong năm 2013:
"Ngay từ trước
khi phát hành Windows 7, chúng tôi đã hình dung những gì cần mang đến cho người
dùng trong phiên bản Windows tiếp theo. Chúng tôi đoan chắc rằng toàn cảnh của công
nghiệp PC sẽ biến đổi sâu sắc bởi sự gia tăng tính di động. Nhận thức như vậy
là nền tảng của những thay đổi mà chúng tôi đã thực hiện với Windows 8. Đó là
bước nhảy vọt, hướng đến thế hệ PC khác. Chúng tôi xây dựng Windows 8 cho một
thế giới trong đó màn hình cảm ứng là phương thức tương tác hàng đầu, giống như
con chuột và bàn phím, cho một thế giới ngập tràn thiết bị mới mẻ, đa dạng, có
tính di động cao, luôn ở bên người dùng và luôn kết nối. Windows 8 được xây dựng
dựa trên thực tế là ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng tư của chúng ta
đã bị xóa nhòa.
Chúng ta mới chỉ làm
quen với những thay đổi sâu sắc thể hiện bởi Windows 8 trong hơn bẩy tháng. Thực
tế chứng tỏ Windows 8 đã đạt được thành công to lớn. Xuất hiện nhiều thiết bị mới
dùng Windows 8. Số lượng phần mềm ứng dụng trên Windows 8 tăng mạnh. Chúng tôi
đã thực hiện nhiều cải tiến cho Windows 8 qua hàng trăm lần cập nhật. Chúng tôi
đã học được nhiều điều từ người dùng Windows 8 và nhận được rất nhiều góp ý.
Chúng ta chỉ mới ở bước khởi đầu. Tiềm năng phía trước hết sức lớn lao.
Windows 8.1 là Windows
8 tốt hơn nữa. Windows 8.1 không chỉ thực hiện những cải tiến theo yêu cầu người
dùng mà còn bổ sung nhiều chức năng mới, tạo thêm trải nghiệm mới từ màn hình cảm
ứng và tính di động. Windows 8.1 có nhiều cải tiến quan trọng để thích nghi tốt
hơn với thị hiếu của người dùng, giúp người dùng tìm kiếm thông tin hiệu quả
hơn, làm cho các phần mềm ứng dụng cài sẵn (built-in app) mạnh mẽ hơn. Windows
Store và các dịch vụ mạng hoạt động tốt hơn trong Windows 8.1. Windows 8.1 còn
có những đổi mới quan trọng trong việc quản trị hệ thống và bảo đảm an ninh, phục
vụ tốt cho doanh nghiệp".
Để làm cho giao diện Modern và giao diện Desktop không quá
khác biệt, Windows 8.1 cho phép dùng hình nền của giao diện Desktop làm hình nền
của giao diện Modern, dù điều này có thể làm mất tính thuần nhất trong phong
cách của giao diện Modern. Để đáp ứng tốt hơn thị hiếu khác nhau của người
dùng, Windows 8.1 cho phép lựa chọn kiểu dáng cho giao diện Modern nhiều hơn so
với Windows 8.
Trên màn hình khởi động (start screen), Windows 8.1 cho phép
tạo ô (tile) quá khổ (gấp đôi khổ lớn nhất trong Windows 8, thích hợp cho các ứng
dụng cần hiển thị nhiều thông tin cập nhật) và cho phép tạo ô nhỏ xíu, gần giống
như biểu tượng trên màn hình nền Desktop.

Màn
hình khởi động của Windows 8.1.
Từ đòi hỏi của người dùng về việc chạy ứng dụng Modern trong
những cửa sổ khác nhau, Windows 8.1 đáp ứng chừng mực bằng cách cho phép phân
chia màn hình trong giao diện Modern thành nhiều phần, không giới hạn số lượng
về nguyên tắc. Dĩ nhiên, số lượng ứng dụng đồng thời góp mặt trên màn hình
Modern nhiều hoặc ít tùy thuộc vào kích thước và độ mịn của màn hình.
Từ đòi hỏi của người dùng về việc tái tạo nút bấm khởi động
trong giao diện Desktop, Windows 8.1 có biểu tượng Windows nhỏ ở đầu trái thanh
tác vụ (taskbar). Người dùng bấm vào biểu tượng đó để... trở về màn hình khởi động
của giao diện Modern (vẫn không có trình đơn khởi động như trong giao diện
Desktop "cổ điển"). Nhằm thay thế vai trò của trình đơn khởi động và
những trình đơn con đã quá quen thuộc với người dùng Windows, Windows 8.1 có
thêm màn hình All Apps, trình bày tất
cả phần mềm ứng dụng đã được cài đặt. Phần mềm mới được cài đặt sẽ không tự động
xuất hiện trong màn hình khởi động như trước (để tránh làm rối mắt người dùng khi
có quá nhiều ô). Người dùng tùy ý chọn lựa ứng dụng trong màn hình All Apps để
đưa vào màn hình khởi động.
Đáp ứng mong mỏi của người dùng, Windows 8.1 cho phép vào thẳng
giao diện Desktop khi khởi động, bỏ qua màn hình khởi động của giao diện
Modern. Tuy nhiên, trong nhiều thao tác, những người yêu thích giao diện
Desktop vẫn bị buộc trở về giao diện Modern. Windows 8.1 không chấp nhận bỏ qua
hoàn toàn giao diện Modern.
Trong nhiều bổ sung chủ động của Microsoft cho Windows 8.1,
điểm mới có lẽ làm hài lòng mọi người dùng Windows 8.1 trên máy tính bảng là chức
năng trình diễn hình ảnh của người dùng trên màn hình khóa (lock screen). Điều
này làm cho máy tính bảng khi không sử dụng trở thành "khung ảnh số".
Người dùng còn có thể nhận cuộc gọi Skype mà không cần mở khóa máy tính bảng.
Khác với Windows 8, Windows 8.1 cho phép dùng màn hình có độ
mịn thấp, thích hợp cho máy tính bảng khổ nhỏ. Microsoft rõ ràng đang chuẩn bị
cho loạt máy tính bảng nhỏ có màn hình 7", cạnh tranh với Kindle Fire,
Nexus 7 và iPad Mini.
Dù có nhiều cải tiến, Windows 8.1 tiếp tục kích thích cuộc
tranh luận giữa hai phe: ủng hộ và chống đối. Trong khi những người thích nghi
sớm với giao diện Modern (phe "cấp tiến") hoan nghênh mọi đổi mới
trong Windows 8.1, những người gắn bó với Windows cổ điển (phe "bảo thủ")
tiếp tục nêu lên những điều chưa hài lòng:
"Windows 8.1
thích hợp cho màn hình nhỏ hơn nữa? Thế còn màn hình lớn hơn nữa thì sao? Ý tôi
muốn nói đến màn hình thông thường của máy tính để bàn. Ai có thể giải thích lợi
ích của phần mềm ứng dụng Modern khi nó sử dụng toàn bộ màn hình 24"? Chưa
kể đến chuyện phải di chuyển con chuột rất nhiều để với tới trình đơn nằm ở cạnh
dưới hoặc cạnh phải màn hình".
"Tôi thích giao
diện Modern trên máy tính bảng, nhưng nó trở nên vô dụng trên máy tính không có
màn hình cảm ứng. Nhiều ứng dụng Modern (để gửi thư điện tử chẳng hạn) cực kỳ bất
tiện khi dùng với con chuột và bàn phím (phải di chuyển chuột nhiều, các biểu
tượng quá lớn). Tôi vẫn thích cái mới nhưng với điều kiện cái mới không làm cho
công việc đang trôi chảy trở nên tồi tệ. Lẽ ra Microsoft nên thực hiện cải tiến
quan trọng để được như Linux: có một chỗ tập trung để cập nhật mọi phần mềm ứng
dụng (Java, Adobe Flash, Adobe Reader, Firefox,...), thay vì mỗi phần mềm được
cập nhật theo kiểu khác nhau".
"Microsoft chỉ
theo đuổi những gì họ cho là thú vị, hơn là những gì mà người dùng thực sự cần.
Với bàn phím và con chuột, không ai muốn dùng loại giao diện chỉ thích hợp với
màn hình cảm ứng. Giao diện Modern dùng không gian màn hình rất lãng phí.
Windows 7 là hệ điều hành hoàn toàn phù hợp với những ai không dùng màn hình cảm
ứng. Đó là lý do vì sao người ta chịu bỏ tiền ra mua những phần mềm kiểu như
Start8 để tái tạo trình đơn khởi động, để làm cho Windows 8 trở nên giống
Windows 7. Microsoft kiêu hãnh đến mức không nhìn thấy điều đó".
"Các phần mềm
Modern quá tệ khi chạy trên máy tính xách tay và máy tính để bàn. Những phần mềm
cũ dùng giao diện Desktop tốt hơn rất nhiều. Các phần mềm Modern chỉ nên dùng
trên máy tính bảng và điện thoại thôi. Tôi không muốn có chúng trên PC của
mình!".
"Tôi có điều muốn
nói với Microsoft: nếu cần thiết bị di động, tôi sẽ mua máy tính bảng Surface
hoặc điện thoại Windows Phone, nhưng tôi không muốn máy tính để bàn của tôi giống
như một thiết bị di động!".
"Tôi sẽ bỏ qua
Windows 8.1, giống như đã bỏ qua Windows 8, Vista
và Me trước đây. Tôi không muốn dùng hệ điều hành chỉ thích hợp với màn hình cảm
ứng. Tôi không muốn máy tính của mình trông như đồ chơi trẻ em (với màu sắc như
được lấy từ bảng màu của màn hình CGA). Hàng ngàn người dùng mà tôi tiếp xúc
cũng thấy như vậy. Ngoài ra, Windows 8 và 8.1 gắn quá chặt với dịch vụ của
Microsoft. Điều này rất phiền toái đối với doanh nghiệp".

Biểu
tượng của phần mềm cũ (Office 2010) không hợp với phong cách của phần mềm
Modern (Lync). Điều này thường làm người dùng không hài lòng (cả phe "cấp
tiến" lẫn phe "bảo thủ").
Nước cờ chiến thuật Windows 8.1 có lẽ không thể hóa giải sự
thực hiển hiện trong những lời than phiền "bảo thủ", trừ khi máy tính
PC truyền thống tuyệt chủng (?!). Thật trớ trêu nếu Microsoft mong muốn điều
đó.
NGỌC
GIAO