Ngày
28/10/2010, Ray Ozzie - Kiến trúc sư trưởng Phần
mềm (Chief Software Architech) của Microsoft - viết trong
bức thư dài gửi đến mọi bộ phận
của công ty: "Trong tháng tới, ngày 20/11 là một ngày
đặc biệt, thể hiện một cột mốc quan
trọng. Những ai từng tin tưởng vào thành công
của giao diện đồ họa trên máy tính PC trong
thời kỳ non trẻ sẽ chào đón 25 năm ngày ra
đời Windows 1.0". Tuy nhiên, nội dung chính của
bức thư nhằm phác họa
thời kỳ sau PC (post-PC) trong đó sức mạnh
của Microsoft không còn dựa trên hệ điều hành Windows
cho máy tính PC.
Ngày 10/11/1983, tại khách sạn Plaza Hotel thuộc
thành phố New York, Công ty Microsoft giới thiệu lần
đầu tiên phần mềm thử nghiệm Windows 1.0
chạy trên hệ điều hành MS-DOS của máy tính PC, giúp
người lập trình ứng dụng tạo ra giao
diện đồ họa (Graphics User Interface - GUI). Windows được xếp vào loại phần
mềm vỏ (shell program) của MS-DOS.
Phần mềm Windows lúc
đầu mang tên Interface Manager. Rowland
Hanson - chuyên viên tiếp thị của Microsoft - đã
thuyết phục giám đốc điều hành Bill Gates
đổi tên Interface Manager thành Windows, một tên ngắn
gọn, súc tích.
Với Windows, các ứng dụng có thể
chạy đồng thời trong các cửa sổ xếp
cạnh nhau và cho phép dùng chuột để chọn chức
năng cần thiết từ thanh trình đơn. Windows có thể hiển thị khung thông báo
chồng lên cửa sổ, nhưng chưa thể tạo ra
các cửa sổ nằm chồng lên nhau.


Giao
diện Windows 1.0
Năm 1983 là thời kỳ
Microsoft thực hiện hợp đồng cung cấp
phần mềm ứng dụng (phần mềm soạn
thảo Word và phần mềm bảng tính MultiPlan - tiền
thân của Excel) cho máy tính mới mang tên Macintosh của Công
ty Apple. Apple dự định giới
thiệu chính thức Macintosh trong năm 1984.
Vào lúc ấy, với doanh thu 25 triệu USD/năm,
Microsoft chỉ là công ty phần mềm nhỏ bé so với
công ty sản xuất máy tính Apple có doanh thu trên một
tỉ USD/năm.
Máy tính Macintosh hoàn toàn sử
dụng giao diện đồ họa. Khác với
phần mềm trên MS-DOS, phần mềm trên Macintosh
được thể hiện bằng những biểu
tượng ngộ nghĩnh trên màn hình, được
khởi động bằng chuột thay vì bằng cách gõ
lệnh từ dòng nhắc. Tự tin với
sự vượt trội toàn diện của Macintosh so
với PC, Apple ấn định lợi nhuận lên
đến 55% trong giá bán Macintosh.
Với tư cách là đối
tác của Apple, Microsoft là công ty bên ngoài đầu tiên được
cung cấp tài liệu kỹ thuật của hệ
điều hành Macintosh và sản phẩm mẫu Macintosh.
Ngay từ lúc đó, Charles Simonyi - trưởng bộ
phận phát triển phần mềm ứng dụng
(Application Divison) của Microsoft - đã cho xây dựng
phần mềm Macintosh trên nền tảng trung gian,
chuẩn bị cho việc chuyển đổi nhanh chóng qua
hệ điều hành khác khi cần thiết.
Hơn một năm sau khi Macintosh
được tung ra thị
trường, ngày 20/11/1985, Microsoft chính thức phát hành
phần mềm Windows 1.0 chạy trên PC. Windows 1.0 có sẵn
vài chương trình đơn giản (Notepad, Write, Paint, Calculator,
Calendar, Reversi, Clock,...), không đủ
sức thu hút sự chú ý của người dùng PC và
giới lập trình PC.

Bill Gates giới thiệu Windows
1.0 trên máy tính Tandy 2000 (1985).
Sau khi khảo sát Windows 1.0, Jean-Louis Gassée -
người phụ trách sản phẩm Macintosh tại Apple
- cho rằng phần mềm mới của Microsoft kém xa
hệ điều hành Macintosh, không thể là mối đe
dọa cho Apple.
Tuy nhiên, vì Windows 1.0 có rất nhiều nét
giống hệ điều hành Macintosh, John Sculley - giám
đốc điều hành Apple - đe dọa Gates về
dự định khởi kiện Microsoft do hành vi vi
phạm những bản quyền tác giả (copyright) và
bản quyền sáng chế (patent) của Apple. Đáp
lại, Gates trấn an rằng Macintosh mới là chuẩn
công nghiệp của tương lai, chứ không phải PC,
rằng Windows chỉ là phần mềm giả lập
Macintosh trên MS-DOS, chứ không phải hệ điều hành
thực sự. Gates vừa thuyết phục
Sculley về tầm quan trọng của Macintosh đối
với Microsoft, vừa đe dọa lại Sculley rằng
sẽ hủy bỏ việc phát triển phần mềm
Word và Excel cho Macintosh nếu Apple kiện Microsoft. Mâu
thuẫn được dàn xếp êm thắm với
một thỏa thuận chính thức theo
đó Apple chấp thuận để Microsoft sử
dụng giao diện đồ họa giống Macintosh cho
Windows. Đổi lại, Microsoft không
được phát triển Word và Excel trên nền tảng
khác Macintosh trong hai năm.
Sculley đã đánh giá thấp
tiềm năng của Windows. Hai năm
sau, ngày 9/12/1987, Microsoft phát hành Windows 2.0 với nhiều
cải tiến quan trọng. Windows 2.0 trở thành
nền tảng cho các phần mềm quan trọng: Microsoft
Word for Windows, Microsoft Excel for Windows, Aldus PageMaker và Corel Draw.
Không cần báo trước cho Gates, Sculley vội vàng
khởi kiện Microsoft, bắt đầu một cuộc
chiến pháp lý kéo dài với Microsoft mà Apple không thể
chiến thắng do thỏa thuận tháng 11/1985.
Vượt qua cửa hẹp,
Microsoft đẩy mạnh việc phát triển Windows và quảng
bá Windows như một hệ điều hành. Ngày 22/5/1990, Microsoft phát hành Windows 3.0. Cuối năm 1990, xuất hiện bộ phần
mềm văn phòng Microsoft Office 1.0 chạy trên Windows 3.0,
gồm có các phần mềm Word, Excel và PowerPoint. Dù ở thời điểm đó, phần
cứng của máy tính PC vẫn kém xa Macintosh, Apple vô
phương đảo ngược tình thế
trước làn sóng PC tràn ngập thị trường.
Trong thập niên 1990, Apple chìm dần vào
khủng hoảng, có lúc đã ở bên bờ vực phá
sản.
Ngày 25/10/2001, với việc phát
hành Windows XP, Microsoft chấm dứt sự tồn tại
của MS-DOS. Tính đến nay, hệ
điều hành Windows XP là thành công rực rỡ nhất
của Microsoft, chiếm ưu thế tuyệt đối
trên máy tính PC.
Sau 25 năm từ ngày ra đời Windows 1.0,
Microsoft vẫn là công ty phần mềm lớn nhất
thế giới, vẫn thu lợi nhuận cao từ hệ
điều hành Windows và bộ phần mềm Office. Nhìn
lại chặng đường dài đã qua, Ray Ozzie -
người thay thế Gates trong vai trò định
hướng công nghệ tại Microsoft - nhận
định: "Windows không
phải là hệ điều hành đầu tiên dùng giao
diện đồ họa trên máy tính cá nhân nhưng theo
thời gian Windows và Office đã định nghĩa máy tính
PC, mang đến cho hàng tỉ người khắp thế
giới những khái niệm cốt lõi về máy tính cá nhân,
vững bền như khắc vào đá".
Tuy ca ngợi kỳ tích của Microsoft, Ozzie
đồng thời chỉ ra sức ì to lớn từ
những "khái niệm vững bền" về máy tính cá
nhân, cản trở Microsoft thích ứng với tương
lai, khi máy tính PC không còn là tâm điểm của sáng tạo
công nghệ. Ngay trong hiện tại, Apple đã trở thành
công ty sản xuất thiết bị di động lớn
nhất thế giới, vượt qua Microsoft về doanh
thu (doanh thu qúy 3/2010 của Apple là 20,3
tỉ USD, so với 16,2 tỉ USD của Microsoft).
Nhìn về tương lai, Ozzie viết: "Chúng ta hãy nhắm mắt lại
và hình dung một bức tranh hiện thực về
thời kỳ sau PC, nếu như nó diễn ra. Những ai
có thể mường tượng một tương lai
hợp lý tươi sáng hơn hiện tại sẽ có
cơ hội trở thành người dẫn đầu.
Trong ngành công nghiệp của chúng ta, nếu bạn có
thể tưởng tượng điều gì, bạn
sẽ có thể tạo ra nó. Ở Microsoft,
những gì đã trải qua, thậm chí chỉ năm
năm vừa qua, cho chúng ta thấy rõ rằng nếu chúng
ta biết được việc cần làm và hành
động quyết liệt, mọi thách thức
đều có thể trở thành cơ hội quan trọng.
Vì vậy, bước đầu cho mỗi
chúng ta là hãy tưởng tượng, hãy mơ ước không
chút ngại ngần".
Ozzie hình dung tương lai là thời kỳ
của dịch vụ liên
tục (continuous services) và thiết
bị kết nối (connected devices) ở khắp
nơi. Thiết bị kết nối có
thể được thay thế dễ dàng, không làm gián
đoạn dịch vụ. Dịch
vụ liên tục giải quyết mọi nhu cầu sử
dụng máy tính cá nhân hiện nay và rất nhiều nhu
cầu mới phát sinh.
"Máy tính PC,
điện thoại, máy tính bảng hiện nay mới
chỉ là bước khởi đầu chập chững. Trong các thập niên tới, chúng ta sẽ chứng
kiến những sáng tạo ngoạn mục, từ đó
tạo ra nhiều loại thiết bị đồng hành
cùng chúng ta. Chúng ta mang chúng, mặc chúng vào
người, dùng chúng trên bàn, trên tường và ở
khắp nơi. Thiết bị kết nối
sử dụng dịch vụ liên tục sẽ vượt
xa hơn những "màn hình, bàn phím, con chuột".
Chúng có khả năng "nhận thức": trông
thấy, nhận diện, lằng nghe từ bạn và
từ mọi vật chung quanh bạn. Chúng không chỉ
hiểu bạn khi bạn chạm vào chúng, mà còn nhận
biết thái độ, cử chỉ của bạn. Chúng có
thể nhận ra những người khác chung quanh
bạn, biết rõ vị trí, hướng đi, độ
cao, nhiệt độ, nhịp tim và
sức khỏe của bạn".
Ozzie mong muốn Microsoft tập
trung xây dựng công nghệ hạ tầng cho dịch
vụ liên tục trong thế giới thiết bị đa
dạng, hơn là níu kéo vai trò trung tâm của máy tính PC.
Hệ điều hành Windows quan trọng
nhất trong tương lai sẽ là hệ điều hành
"vô hình" nằm bên dưới dịch vụ liên
tục. Dự án Windows Azure khởi động
tại Microsoft từ năm năm trước là
bước chuyển mình đầu tiên của Microsoft theo tầm nhìn của Ozzie.

Ray Ozzie và Bill Gates trong cuộc
họp toàn công ty tại trụ sở Microsoft (Seattle -
23/9/2005).
Tuy nhiên, Ozzie đã viết bức tâm thư trong thời gian chuẩn bị rời
khỏi Microsoft.
Vì sao Ozzie từ bỏ
tương lai mà ông hình dung? Không ai biết
được lý do thực sự. Có lẽ
Microsoft đánh giá chưa đúng tiềm năng của làn
sóng thiết bị mới? Dường như không
dễ hình dung một thế giới trong đó máy tính PC
mất đi vị trí hiện có. Càng khó
hơn cho Microsoft khi phải hành động để
thế giới ấy mau chóng trở thành hiện thực.
NGỌC
GIAO