Nếu bắt đầu tìm hiểu "khái niệm" Twitter từ những người thân quen, có lẽ bạn sẽ
thấy lạ lẫm với những lời giải thích khác nhau, đại khái như...
"Twitter là
phương tiện để cảm nhận được cuộc sống của những người thân và bạn bè".
"Twitter là một
hệ thống gửi tin nhắn trên mạng, trong đó rất nhiều người đọc được tin nhắn của
bạn".
"Twitter là một
cách giết thì giờ, khi không có chuyện chi để làm: nói trổng trổng trên mạng cho
nhiều người nghe. Đôi khi cũng có người trả lời".
Cách tốt nhất là đọc lời giải thích từ chính nhà cung cấp
dịch vụ Twitter: "Twitter là dịch vụ
giúp bạn giữ liên lạc với người thân, bạn bè, đồng nghiệp thông qua việc trao
đổi nhanh chóng, thường xuyên những thông điệp ngắn có tối đa 140 ký tự. Những
thông điệp như vậy xuất hiện trên trang dành riêng cho bạn và tự động gửi đến
những người dõi theo bạn. Mọi người có thể tìm thấy thông điệp của bạn bằng
công cụ tìm kiếm của Twitter".
Nói gọn hơn, Twitter là một phương tiện "tự bạch"
của bạn, giúp những người dõi theo (follower) biết được bạn đang làm gì, nghĩ
gì. Nếu bạn quan tâm những ai, bạn có thể chủ động trở thành người dõi theo của
họ để nhận được thường xuyên những lời tự bạch từ họ.
Việc ghi địa chỉ
Twitter trong danh thiếp đang trở thành điều bình thường.
Khác với việc gửi tin nhắn thông thường trên điện thoại di
động, khi dùng Twitter để phát đi một thông điệp ngắn, bạn không hướng đến một
người cụ thể nào. Mỗi "tin nhắn Twitter" thường được gọi là một tweet, tức tiếng kêu "chiêm chiếp".
Từ twitter vốn diễn đạt tiếng lao xao
của loài chim.
Ý tưởng của dịch vụ Twitter dường như quá đơn giản. Những
người dùng đầu tiên của dịch vụ Twitter nhanh chóng cảm thấy nhàm chán khi nói
về những việc mình đang làm và mệt mỏi vì nhận được những "tin tức"
tẻ nhạt từ những người mà họ dõi theo. Nhiều người kết luận đó là ý tưởng vô
dụng!
Có chuyên gia tâm lý cho rằng Twitter không những không giúp
người dùng (đặc biệt là người trẻ) tự thể hiện mình một cách sinh động, lôi
cuốn mà còn làm cho người dùng khó chịu vì cảm giác "bị theo dõi",
cảm giác xấu hổ do "nói với đám đông" hoặc vì không có nhiều người "hâm
mộ" dõi theo mình.
Quả thực, theo số liệu thống kê của Công ty comScore (công
ty chuyên thăm dò thị trường), số người dùng Twitter trong độ tuổi từ 12 đến 17
chỉ vào khoảng 11%. Tuổi thiếu niên năng động thường chỉ có nhu cầu trò chuyện
trong nhóm nhỏ gồm những bạn bè thân quen, luôn muốn tránh sự kiểm soát của
người lớn dưới mọi hình thức.
Sự "ngớ ngẩn" của Twitter thường bị chế giễu trong
nhiều tranh biếm, truyện khôi hài. Dịch vụ Woofer
tạo ra "hình ảnh ngược" của Twitter để đùa vui: một website có phong
cách giống hệt Twitter nhưng buộc người dùng phải gửi thông điệp tự bạch có tối
thiểu 1400 ký tự! Bản thân từ woofer
thường dùng để chỉ... tiếng sủa ồm ồm của loài chó.
Thế nhưng ý tưởng "đơn giản" của Twitter có sức
sống mãnh liệt lạ thường. Chỉ sau vài năm từ khi Twitter xuất hiện, "hệ
sinh thái Twitter" hình thành với rất nhiều phần mềm được tạo ra nhằm khai
thác dịch vụ Twitter trên điện thoại di động, trên máy tính cá nhân, trên nhiều
hệ điều hành (Windows, Linux, Mac OS) và trên nhiều nền tảng ứng dụng khác nhau
(Adobe AIR, Microsoft Silverlight,...), phổ biến cả trong không gian ảo Second
Life.
Địa chỉ Twitter bắt đầu hiện diện trên nhiều danh thiếp (name
card, business card) với tư cách một kênh liên lạc, bên cạnh số điện thoại và
địa chỉ thư điện tử. Không ít người nhận thấy rằng sự phô bày địa chỉ Twitter
của họ, thay vì địa chỉ thư điện tử, là cách thức an toàn hơn khi thể hiện
thông tin cá nhân trên danh thiếp, giúp tránh được sự quấy nhiễu qua thư điện
tử.
Một phần mềm đọc
tweet trên điện thoại di động.
Ngoài tính nhanh chóng, tức thời như mọi dịch vụ tin nhắn, có
lẽ sự đặc sắc của Twitter chính là tính "đóng mở" linh hoạt. Ai cũng
xem được những dòng tweet ngắn ngủi trên trang Twitter của bạn nhưng dòng tweet
ấy chỉ "chạy" đến trang Twitter của những người dõi theo bạn.
Người dõi theo bạn có thể trả lời tweet của bạn và mọi người
khác đều xem được câu trả lời ấy. Tuy nhiên, nếu ai đó muốn "nói
riêng" với bạn bằng thông điệp trực tiếp (direct message), người ấy phải
là người mà bạn dõi theo, nghĩa là họ phải được bạn cho phép.
Người dùng Twitter có thể dùng công cụ tìm kiếm để nhanh
chóng tìm được mọi tweet có liên quan đến từ chốt (keyword) mà họ quan tâm.
Nhưng khi ai đó muốn phát tán một mẩu quảng cáo trên phạm vi rộng, người ấy sẽ
thấy ngay rằng không thể thực hiện ý định nếu chẳng được mấy ai dõi theo.
Là người dùng Twitter, bạn có thể cắt đứt liên lạc với ai đó
bằng cách ngừng dõi theo họ và không cho họ dõi theo mình. Bạn có thể ngăn công
cụ tìm kiếm của Twitter bày ra những tweet của mình, giữ kín những tweet trong
trang Twitter của mình.
Bạn hãy tiếp tục đọc lời giải thích từ nhà cung cấp dịch vụ
Twitter: "Dùng Twitter, bạn có cảm
giác như luôn gần gũi với người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, bạn không
nhất thiết trả lời mọi thông điệp nhận được trừ khi bạn muốn trả lời. Bạn tùy ý
bước vào và bước ra khỏi dòng chảy thông tin. Dòng chảy đó không bao giờ dồn
lên, gây áp lực đòi hỏi bạn chú ý. Bạn có toàn quyền quyết định nhận thông điệp
từ những ai, vào lúc nào và trên thiết bị nào".
Những quy tắc vận hành của Twitter tìm được rất nhiều ứng
dụng trong thực tế, ở phạm vi rộng hơn nhiều so với những mối quan hệ
"người thân, bạn bè, đồng nghiệp".
Chẳng hạn, những người tổ chức một cuộc hội thảo có thể tạo
một địa chỉ Twitter và phát đi thông điệp liên quan đến nội dung hội thảo.
Những người dõi theo hội thảo ấy có thể đóng góp ý kiến của mình. Họ có thể
dùng máy tính cá nhân hoặc điện thoại di động để nêu lên thắc mắc của mình ngay
trong cuộc hội thảo thay vì... giơ tay và chờ đến lượt phát biểu. Mọi người
quan tâm đến hội thảo, dù có mặt tại chỗ hoặc ở xa, đều biết được tức thời các
ý kiến đóng góp cho hội thảo.
Các công ty, tổ chức thường tìm kiếm trong Twitter để phát
hiện "dư luận" đang râm ran những gì về họ. Họ dễ dàng biết được
những câu chuyện được bàn tán nhiều nhất ở Twitter trong 24 giờ qua hoặc trong
tháng qua có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình (nhờ các công cụ Twindz,
Twist, Retweetradar, TweetDeck hoặc Tweetag).
Địa chỉ Twitter của một công ty là phương tiện hiệu quả để
tiếp thị, đồng thời khách hàng của công ty tìm thấy ở địa chỉ Twitter đó một
phương tiện hiệu quả để... phàn nàn về sản phẩm, dịch vụ. Ý kiến của một khách
hàng được mọi khách hàng khác "nghe thấy" khiến công ty không thể...
làm ngơ (hiệu quả hơn nhiều so với việc phàn nàn qua điện thoại).
Địa chỉ Twitter của các cơ quan công quyền cũng thường thu
hút số đông người dõi theo, tạo nên kênh thông tin đặc biệt hiệu quả nhằm phổ
biến các chủ trương, phát đi những hướng dẫn quan trọng trong các tình huống
khẩn cấp. Đầu năm 2009, trong trận cháy rừng tại Úc (bang Victoria), lực lượng cứu hỏa thường xuyên
phát đi các tweet để báo động và thông báo diễn tiến của thảm họa. Bản thân Thủ
tướng Úc, Kevin Rudd, cũng liên tuc gửi tweet nhằm kêu gọi quyên góp, hiến máu
và thông báo vị trí của các đội cứu nạn.
Trong các trường hợp như vậy, Twitter có vai trò gần giống
phương tiện phát thanh, truyền hình. Điều này gợi ý cho Mark MacKeague - một
sinh viên tại Belfast (Bắc Ireland) chế tạo thiết bị dò tìm địa chỉ Twitter và
chuyển đổi các tweet thành tiếng nói (từ một chiếc radio cũ).
Mark McKeague - sinh
viên Đại học Queen's (Belfast, Bắc Ireland) - với
thiết bị chuyển đổi tweet thành tiếng nói.
Trong tương lai gần, Twitter sẽ bổ sung chức năng định vị,
theo đó người dùng tùy ý lựa chọn: thể hiện hoặc không vị trí của mình (bằng
kinh độ và vĩ độ) trong những tweet được phát đi (nếu máy tính hoặc điện thoại
có chức năng định vị GPS). Theo dự định của Twitter, người dùng sẽ có thể
chuyển từ chế độ đọc tweet của những người mà họ dõi theo sang chế độ đọc tweet
phát ra từ khu vực nào đó, bất kể họ có dõi theo những người gửi tweet ở khu
vực đó hay không. Chẳng hạn, người dùng Twitter có thể biết được những người ở
gần họ trong một buổi ca nhạc đang bình phẩm ra sao. Khả năng lắng nghe các
tweet trong một khu vực xác định chắc chắn vô cùng hữu ích khi có thiên tai
(bão lũ, động đất,...).
Twitter không chỉ là một "khái niệm", Twitter đang
trở thành một "giác quan".
NGỌC
GIAO