Phim
3D - phim tạo ra hình ảnh nổi, mang đến cho khán giả cảm giác rất thật về không
gian ba chiều - đang trở thành làn sóng mạnh mẽ của công nghiệp giải trí. Làn
sóng phim 3D từng xuất hiện trong các thập niên 1920, 1950, 1980 và từng... lụi
tàn lặng lẽ. Liệu làn sóng phim 3D của thời đại số có tuân theo "quy
luật" ấy?
Thuật ngữ "phim 3D" (3D
movie, 3-D movie) hiện đang được dùng phổ biến trên các phương tiện truyền
thông để chỉ loại phim ảnh nổi (stereoscopic movie) - phim khiến người xem cảm
nhận được chiều sâu của khung hình, cho thấy rõ những nhân vật trong phim tách
biệt với cảnh nền. Để phân biệt với thuật ngữ này, những "phim búp
bê" từng được được gọi là "phim hoạt hình 3D" (3D animation) -
phim được tạo bởi các mô hình trong không gian ba chiều "ảo" của máy
tính - giờ đây thường được giới truyền thông gọi là "phim hoạt hình CGI"
(CGI animation).
Thuật ngữ CGI (Computer-Generated
Imagery) dùng để chỉ công nghệ tạo hình bởi máy tính. "Phim CGI" (CGI
movie) nói chung bao gồm mọi loại phim có dùng hình ảnh tạo bởi máy tính, từ The Terminator cho đến Transformers.
Trước khi phim hoạt hình CGI mang
tên Up được công chiếu, John Lasseter
- giám đốc sáng tạo của Công ty Disney, người từng được báo chí ca ngợi là
"Disney tái thế" - khẳng định rằng kể từ phim Up, mọi phim của xưởng phim Pixar nói riêng và của Disney nói chung
(bao gồm cả phim truyện hoạt hình vẽ tay) đều được phát hành đồng thời ở hai
dạng: phim 3D và phim 2D (phim bình thường, không tạo ảnh nổi).
Không chỉ Disney, toàn bộ công
nghiệp điện ảnh Mỹ đều hướng đến phim 3D. Những rạp chiếu phim lần lượt được
trang bị lại nhằm chiếu phim 3D. Nhiều phim 3D phải lùi ngày công chiếu để chờ
đợi hệ thống rạp được tu bổ cho thích hợp với phim 3D. Trong số đó có phim Avatar của đạo diễn lừng danh James
Cameron.
Giám đốc điều hành xưởng phim
Dreamworks - Jeffrey Katzenberg - cho rằng phim 3D đang mở ra thời kỳ mới,
tương tự như sự xuất hiện của phim màu trong lịch sử điện ảnh. Không thua kém
Pixar, phim Monsters vs Aliens của
Dreamworks ngay từ đầu được dàn dựng để trở thành phim 3D.
Lasseter bộc bạch: "Tôi yêu phim 3D. Phim Nickname, phim
hoạt hình ngắn đầu tay của tôi hồi năm 1989, là phim 3D. Xin nói thêm, toàn bộ
ảnh cưới của tôi với vợ tôi, cô dâu xinh đẹp Nancy, đều là ảnh 3D".
Để xem ảnh cưới của mình, Lassetter
phải đeo kính 3D (3D glasses) như mọi khán giả của phim 3D hiện nay. Đeo kính
3D để xem một phim dài không dễ chịu như đeo kính 3D để xem vài bức ảnh. Đó là
nguyên nhân quan trọng làm cho các trào lưu phim 3D lắng xuống, bất kể những
nhà làm phim 3D trong quá khứ từng có nhận định "chiến lược" tương tự
như Katzenberg.
Hội chứng "nhức đầu 3D"
Khi nhìn một vật thể, bạn cảm nhận
được chiều sâu của không gian chung quanh mình là nhờ mắt phải và mắt trái tiếp
nhận hai hình ảnh hơi khác nhau của cùng vật thể đó. Ảnh 3D được tạo ra với
nguyên lý đơn giản: cung cấp hai ảnh hơi khác nhau của cùng vật thể cho hai mắt
của bạn (mỗi mắt thấy một ảnh). "Công đoạn" tiếp theo do chính não bộ
của bạn đảm nhận: tổng hợp hai ảnh khác nhau của vật thể và tạo ra cảm giác
"toàn diện" về vật thể.
Trong thập niên 1920, thời của phim
"trắng đen", các nhà làm phim đã vận dụng nguyên lý nêu trên bằng
cách quay phim với hai máy ghép sát nhau. Hai cuộn phim sau đó được chiếu đồng
thời lên màn ảnh với kính lọc màu khác nhau. Người xem phim phải đeo kính lọc
màu tương ứng, đảm bảo cho hai mắt thấy được hai ảnh khác nhau. Phương pháp "ảnh
nổi lọc màu" (anaglyph) dần dần được chuẩn hóa: kính lọc màu có một tròng
màu đỏ (red), tròng kia màu xanh dương nhạt (cyan), tức "màu bù" (complement
color) của màu đỏ.
Trong thực tế, kính 3D lọc màu không
thể ngăn chặn mắt phải nhìn thấy một phần hình ảnh dành cho mắt trái và ngược
lại. Sự "rò rỉ" ánh sáng giữa hai "kênh hình ảnh" khiến
người xem thấy ảnh không rõ nét, gây mỏi mắt, nhức đầu.
Kính
3D lọc màu
Trong thập niên 1950, ảnh nổi 3D
được tạo ra dựa vào hiện tượng phân cực ánh sáng: hình ảnh dành cho mắt phải và
mắt trái được chiếu đồng thời lên màn ảnh qua kính phân cực khác nhau (phân cực
dọc và phân cực ngang). Người xem phải đeo kính phân cực tương ứng: một tròng
phân cực dọc, một tròng phân cực ngang. Mỗi tròng kính chỉ cho ánh sáng phân
cực phù hợp truyền qua.
Phương pháp tạo ảnh nổi như vậy
không ảnh hưởng đến màu sắc của ảnh. Tuy nhiên, nếu người xem không giữ đầu cho
thẳng, kính phân cực trước mắt người xem trở thành phân cực xiên, cho phép
truyền qua đồng thời một phần ánh sáng phân cực dọc và phân cực ngang, sự
"rò rỉ" ánh sáng lại xảy ra. Nói khác đi, khi nghiêng đầu, người xem
sẽ hoa mắt (!).
Từ thập niên 1980 đến nay, nhược
điểm vừa nêu được khắc phục hoàn toàn nhờ việc thay thế phân cực thẳng (linear
polarization) bằng phân cực vòng (circular polarization), trong đó cường độ
điện trường của ánh sáng tại một điểm xoay vòng theo thời gian. Người xem phải
đeo kính với hai tròng có chiều phân cực vòng khác nhau: chiều kim đồng hồ cho
mắt phải và chiều ngược lại cho mắt trái. Ngoài ra, với máy chiếu kỹ thuật số Real
D hiện tại, hai loại ánh sáng phân cực được chiếu lần lượt lên màn ảnh với tốc
độ cao (144 khung hình mỗi giây), thay vì chiếu đồng thời.
1
2
3
Minh
họa phương pháp tạo ảnh 3D dựa vào sự phân cực ánh sáng: 1. Máy chiếu có lắp
kính phân cực - 2. Hai loại ánh sáng phân cực được chiếu tuần tự lên màn hình -
3. Mỗi tròng của kính 3D chỉ cho truyền qua ánh sáng phân cực thích hợp.
Kính
3D phân cực vòng (công nghệ Real D).
Kính
3D tinh thể lỏng (dùng với màn hình 3D).
Trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng
hiện tại, các loại "màn hình 3D" của ti-vi hoặc máy tính cũng hiển
thị lần lượt hình ảnh dành cho từng mắt nhưng không thể tạo ánh sáng phân cực.
Người xem phải đeo kính tinh thể lỏng (LCD - Liquid Crystal Display) có tác
dụng như màn trập của máy ảnh. Ở mỗi thời điểm, một tròng kính tối, một tròng
kính sáng. Sự "đóng mở" của tròng kính thay đổi cực nhanh và được làm
đồng bộ với hình ảnh trên màn hình bằng tín hiệu hồng ngoại, luôn đảm bảo cho
mỗi mắt chỉ trông thấy hình ảnh dành riêng.
Phim 3D thời đại số
Không chỉ giải quyết hội chứng
"nhức đầu 3D" ở khâu xem phim, kỹ thuật số còn trợ giúp đắc lực cho
người quay phim. Trong thập niên 1950, người quay phim phải mò mẫm khi cần xác
định khoảng cách tối ưu giữa hai ống kính máy quay và điểm hội tụ của hai ống
kính cho từng cảnh. Máy quay 3D kỹ thuật số có khả năng tính toán thông số tối
ưu và tự điều chỉnh, tránh được những hình ảnh "3D quá liều" đến mức
giả tạo.
Với công nghệ cũ (dùng phim nhựa khi
quay), sự ăn khớp của "khung hình trái" và "khung hình phải"
thường khó duy trì qua các khâu chỉnh sửa, dàn dựng và lưu trữ (hai cuộn phim
"trái" và "phải" thường bị hư hỏng khác nhau). Việc ghi
hình và lưu trữ ở dạng số hóa không những luôn đảm bảo sự đồng bộ cho hai kênh
hình ảnh, mà còn tạo thuận lợi cho việc phát hành: phim có thể truyền thẳng đến
máy chiếu kỹ thuật số tại rạp qua đường truyền cáp quang.
Với phim 3D, những nhà kinh doanh
điện ảnh tìm thấy cơ hội tạo nên sự khác biệt lớn giữa việc xem phim tại rạp
với việc xem phim tại nhà. Chỉ riêng việc chuyển đổi tự động các phim cũ qua
dạng 3D cũng tạo ra nguồn phim "mới" dồi dào, thu hút khán giả mạnh
mẽ. Nhiều phần mềm máy tính đang được tạo ra nhằm xử lý tự động từng khung hình
của phim 2D để kết xuất hai khung hình khác nhau cho phim 3D (nhờ phân tích màu
sắc, vị trí các nhân vật).
Với phim hoạt hình CGI, "máy
quay 3D kỹ thuật số" thực ra chỉ tồn tại trong phần mềm, việc tạo ra hai
khung hình khác nhau cho phim 3D được thực hiện dễ dàng (tạo ra hai "máy
quay" và định vị thích hợp trong không gian ba chiều ảo chỉ là thao tác
đơn giản).
Lợi nhuận lớn lao mà phim 3D đem đến
cho công nghiệp điện ảnh là hiển nhiên. Tuy nhiên, liệu sự hiển nhiên ấy có là
điều kiện đủ để duy trì lâu dài phong trào phim 3D?
Khác với thập niên 1950 và 1980,
việc làm phim 3D hiện nay không chỉ khép kín trong giới điện ảnh mà đang trở
thành "phong trào quần chúng". Bắt đầu từ việc tạo ảnh nổi bằng
Photoshop (vẫn dựa vào phương pháp lọc màu của thập niên 1920), người người
chuyển qua làm phim 3D ngắn để "chiếu" tại YouTube nhờ nhiều loại
phần mềm chuyên dùng khác nhau (miễn phí hoặc không) trên máy tính cá nhân. Việc
chuyển đổi những bức ảnh hoặc đoạn phim gia đình từ 2D thành 3D là công việc
hấp dẫn với bất kỳ ai.
Khi công nghệ màn hình 3D đủ già
giặn để trở nên phổ biến trong thị trường thiết bị điện tử tiêu dùng, người làm
phim 3D nghiệp dư có cơ hội rời bỏ phương pháp lọc màu, có điều kiện tạo ra tác
phẩm với chất lượng cao hơn, phong trào "phim 3D" chắc chắn sẽ phát
triển mạnh hơn.
Cho dù phim 3D sẽ "lắng
xuống" vào lúc nào đó, con người của thế hệ tiếp theo sẽ khởi động lại mọi
thứ vì trải nghiệm với phim 3D là mong muốn tự nhiên của mọi người, là điều
không thể thỏa mãn bằng... lời kể của thế hệ trước.
NGỌC
GIAO