
Ngày 26/3/2013, trên trang mạng The
Official Microsoft Blog, Frank Shaw - người phụ trách bộ phận truyền thông
của Microsoft - đề cập đến dự án Blue
nhằm đẩy mạnh bước chuyển chiến lược của Microsoft, từ công ty phần mềm trở
thành công ty thiết bị và dịch vụ. Điều này nhất thiết liên quan đến hệ điều
hành Windows, dường như khớp với nhiều tin đồn trước đó về hệ điều hành mang bí
danh Blue, tiếp nối Windows 8.
Không ai biết rõ Blue sẽ khác biệt nhiều ít ra sao so với
Windows 8. Có ý kiến "từ nguồn tin cậy gần gũi với Microsoft" cho rằng
Blue là gói dịch vụ bổ sung (service pack) cho Windows 8, nghĩa là Blue mới
chính là Windows 8 hoàn chỉnh, trong khi Windows 8 hiện tại còn thiếu nhiều chức
năng đã dự kiến, do sức ép về thời điểm phát hành. Tuy nhiên, tầm quan trọng của
Blue vẫn được đồn đoán khác nhau: Blue có thể là Windows 8.1 hoặc Windows 8.5
hoặc Windows 9? Không ít dự đoán chỉ đơn thuần thể hiện sự mong mỏi: Blue là sự
trở về "Windows Classic", từ bỏ giao diện Modern (còn gọi là Metro) của
Windows 8, chỉ giữ lại những công nghệ mới của Windows 8. Những tin đồn giống
nhau ở một điểm: Blue sẽ xuất hiện chính thức ngay trong năm 2013, đánh dấu sự thay
đổi hoàn toàn chu trình phát triển hệ điều hành Windows. Microsoft sẽ nâng cấp
Windows thường xuyên giống như Mac OS X của Apple hoặc Android của Google, thay
vì phát hành phiên bản hoàn toàn mới sau vài ba năm.
Cuối tháng 3/2013, không rõ bằng cách nào, diễn đàn WinForum tại Ba Lan
cho phép tải xuống phiên bản thử nghiệm alpha của Blue. Phiên bản thử nghiệm
cho thấy Blue vẫn là Windows 8 nhưng có nhiều cải tiến, dường như cố gắng giữ
người dùng ở lại với giao diện Modern càng lâu càng tốt, thay vì chuyển bật qua
lại thường xuyên giữa giao diện Modern và giao diện Desktop. Bất chấp những lời
phê phán mạnh mẽ rằng giao diện Modern không thích hợp với PC truyền thống (PC không
có màn hình cảm ứng), Microsoft tỏ ra kiên quyết giữ vững lập trường. Điều này
thực ra không bất ngờ vì Microsoft đã đầu tư lớn cho nền tảng WinRT để phát triển
phần mềm ứng dụng có giao diện Modern, với niềm tin chắc chắn rằng PC truyền thống
dần dần trở thành thiểu số. Nền tảng phần mềm WinRT dùng giao diện Modern là
công nghệ mới chủ yếu của Windows 8. Microsoft hoàn toàn không muốn "lãng
phí" nguồn lực cho việc cải tiến nền tảng phần mềm WinNT (còn gọi là
Win32) dùng giao diện Desktop, mặc dù chính giao diện Desktop, với những cửa sổ
co dãn được, mang đến ý nghĩa đích thực của tên gọi Windows.
Nhà bình luận Hal
Berenson (28/3/2013), người từng là kỹ sư xuất sắc của Microsoft, cho rằng
những người đòi hỏi Microsoft trở về với Windows Classic là kỳ quặc, khác nào
chọn cái chết chậm cho Windows. Theo Berenson, những người không thích nghi được
với giao diện Modern chỉ là 5% trong tổng số người dùng Windows và giao diện
Desktop sẽ dần biến mất trong khoảng 5-10 năm khi nhu cầu tương thích với phần
mềm ứng dụng cũ không còn quan trọng.
Trên trang mạng của mình, Berenson (7/3/2013) phân tích vì
sao việc xây dựng Windows 8 như hiện tại là lựa chọn đúng của Microsoft:
"Điều gì sẽ xảy
ra nếu như Microsoft phát triển hệ điều hành dành riêng cho tablet (máy tính bảng),
độc lập với hệ điều hành Windows dùng giao diện Desktop? Nghĩa là ta thử hình
dung Microsoft có ba phiên bản Windows khác nhau: Windows Phone, Windows Tablet
và Windows Desktop. Khi đó Windows Tablet dùng giao diện Metro, hoàn toàn không
có giao diện Desktop. Windows Desktop sẽ chỉ là Windows 7.5 với đôi chút cải tiến
về giao diện và nền tảng Win32, kết hợp với cải tiến về kiến trúc mà ta đã thấy
trong Windows 8 (công nghệ Secure Boot, SmartScreen,...). Khi đó, màn hình
Desktop sẽ không có nhiều tiện ích như Start Screen của Windows 8, Windows
Desktop cũng không chạy được phần mềm ứng dụng của Windows Store. Nhưng tại sao
lại không chứ? Nếu thêm Start Screen cho Windows Desktop thì đó chính là
Windows 8 mà ta đã biết!
Windows Tablet theo kịch
bản trên chính là Windows RT trong thực tế. Chúng ta đều biết rằng Windows RT
đang vất vả thu hút người dùng vì có ít ứng dụng. Phê phán mạnh nhất đối với
Windows RT là nó không chạy được phần mềm ứng dụng cũ dùng giao diện Desktop.
Nhưng cho phép dùng giao diện Desktop song song với giao diện Metro lại bị chỉ
trích là sự kết hợp không tự nhiên, không hài hòa. Qua vài tháng Windows RT xuất
hiện trên thị trường, có thể thấy rõ rằng hệ điều hành Windows chỉ dành riêng
cho tablet khó tránh khỏi thất bại.
Như tôi đã nêu,
Windows Desktop theo kịch bản trên sẽ chỉ là Windows 7.5 chứ không thực sự mới
vì Microsoft phải dồn sức cho Windows Tablet. Nhiều người nói rằng họ không muốn
Windows thay đổi nhiều nhưng nếu vậy thì họ có thể làm gì hơn với Windows? Tác
động của Windows Desktop vào thị trường sẽ như thế nào? Không có gì cả. Sức
tiêu thụ PC truyền thống cứ giảm đều. Những người mua PC truyền thống hiện nay
không quan tâm nó dùng Windows 7 hay Windows 8. Không có ai thấy cần mua PC mới
vì Windows Desktop. Các doanh nghiệp có lịch trình nâng cấp riêng, càng không
có sự thôi thúc mua PC mới. Tốc độ nâng cấp PC của họ còn chậm đi vì họ bận đáp
ứng nhu cầu sử dụng iPad và các loại tablet khác. Nếu Windows Desktop không
dùng được cho tablet, doanh nghiệp có thể bỏ qua nó. Người dùng bình thường
nâng cấp từ Windows 7 lên phiên bản mới hơn có lẽ hài lòng hơn đôi chút nhưng
điều đó tác động không đáng kể đối với doanh nghiệp như Microsoft.
Theo kịch bản trên,
Microsoft cùng lắm chỉ giữ được vị thế như hiện tại, có nguy cơ bị đánh bật khỏi
thị trường tablet. Lúc đó người ta lại chê bai Microsoft không thích nghi được
với thị trường và tự đánh mất hào quang của mình.
Có thể hình dung một kịch
bản hơi khác, trong đó Windows Tablet được phát triển từ Windows Phone 8.
Windows Phone đã thu hút được số lượng người dùng nhất định, cộng đồng lập
trình Windows Phone đã hình thành. Thế nhưng số lượng phần mềm ứng dụng cho
Windows Phone vẫn chưa đủ lớn. Windows Phone vẫn đứng trước thách thức như Windows
RT. Theo kịch bản này, tôi không thấy dấu hiệu khả quan nào. Windows Desktop
đáp ứng nhu cầu cho một thị trường ngày càng nhỏ hẹp trong khi Windows Tablet
không có lợi thế đặc thù. Thị trường sẽ nhìn Windows Tablet chỉ như Android 3.0
và nhanh chóng xuất hiện những ý kiến so đo, dè bỉu".
Lập luận của Berenson dựa trên hai giả định: hệ điều hành
dành riêng cho tablet của Microsoft không thể thành công và nhu cầu PC truyền
thống sẽ giảm đến mức không đáng kể. Từ đó dẫn đến giải pháp duy nhất cho
Microsoft: xây dựng hệ điều hành dùng chung cho tablet và PC truyền thống,
trong đó ưu tiên phục vụ tablet. Nhờ vậy, lợi thế đặc thù của Microsoft trên PC
dần dần chuyển qua tablet. Cộng đồng Windows rộng lớn sẽ giúp Microsoft chiến
thắng trong cuộc canh tranh mới.
Tuy nhiên, hiệu quả của chiến lược tùy thuộc vào cách làm. Vô vàn mong ước đối với Blue
thể hiện trên nhiều trang mạng chứng tỏ Windows 8 thực sự bất ổn. Người dùng
mong muốn Blue không ép buộc họ dùng giao diện Modern, không ép buộc họ dùng
các dịch vụ của Microsoft. Người dùng mong muốn hai giao diện Modern và Desktop
hoàn toàn tách biệt, không có sự chuyển bật bất ngờ về giao diện Modern. Người
dùng mong muốn giao diện Desktop của Blue dễ dùng như Windows 7, không phải cài
đặt thêm ClassicShell, Power8 hay Start8. Người dùng mong muốn
Blue cho phép họ chạy đồng thời nhiều ứng dụng Modern trong những cửa sổ co dãn
được của giao diện Desktop. Người lập trình mong muốn Blue cho phép tự do phát
triển phần mềm Modern, không phải trả phí như hiện tại (50 USD cho cá nhân, 100
USD cho doanh nghiệp), mong muốn tự do cài đặt phần mềm Modern trên Blue, theo
lề lối truyền thống của PC, không lệ thuộc vào Windows Store,...
Blue hiện đang có nhiều sắc màu khác nhau của hy vọng. Nếu rốt
cuộc Blue phớt lờ những mong mỏi của người dùng, giả vờ xem họ thuộc về thiểu số
5%, Blue sẽ chỉ là... blue (buồn).
NGỌC
GIAO