Trong
thập niên 2000, manga dần dần chinh phục thế
giới phương Tây, từ đó tác động mạnh
mẽ vào các nước phương Đông thông qua phong
trào scanlation (dịch manga sang tiếng Anh và phổ biến
miễn phí trên Web), thông qua các "mạng xã hội
manga". Manga đang chiếm lĩnh màn hình nhỏ của
thiết bị di động. Manga đã trở thành
một "quyền lực mềm" quan trọng
của Nhật Bản.

Naruto
- Manga đầu tiên nhận giải thưởng Quill danh
giá dành cho truyện tranh.
Những người nước ngoài tại
Nhật thường kinh ngạc khi tiếp xúc với
"nền văn hóa manga". Manga được bày bán
khắp nơi, cả trong tiệm tạp hóa. Trên tàu
điện ngầm, người đọc manga có thể
là học sinh, sinh viên hoặc viên chức đạo
mạo. Không ít người đọc manga bằng điện
thoại di động. Hầu hết đều
đọc thể loại manga phù hợp với lứa
tuổi của mình: shojo (con
gái), shonen (con trai), seinen (nam thanh niên), seijin (nam trung niên).
Trên sạp báo, manga thường hiện
diện ở dạng tạp chí truyện tranh, loại
tạp chí chứa đựng hàng chục truyện tranh
nhiều kỳ, mỗi truyện chiếm khoảng 20 trang,
gồm những trang tranh "nóng hổi" vừa
được vẽ ra trong tuần hoặc trong tháng
vừa qua. Các truyện tranh nhiều kỳ thu hút công chúng
có thể kéo dài đến chục năm và được
in thành bộ riêng (tankobon),
gồm nhiều tập với hàng ngàn trang tranh!
Các khu chợ truyện tranh rộng lớn
tại Tokyo (Comic Ichi, Super Comic City) thường xuyên
tấp nập những người đến mua mang
sẵn ba-lô trống rỗng hoặc va-li kéo. Chợ
truyện tranh cũng là nơi bày bán "truyện tranh tự
làm". Tại khu vực dành riêng, những họa sĩ
truyện tranh nghiệp dư ngồi bán truyện do họ
sáng tác - những truyện được vẽ cẩn
thận trên giấy, được quét vào máy tính, chỉnh
sửa bằng Photoshop và được in ra chỉ vài
chục bản. Đa số truyện tranh tự làm
thuộc loại dojinshi -
biến thể, phóng tác từ những truyện tranh
nổi tiếng - nhưng luôn thu hút những dòng
người chăm chú. Tất cả như cùng nói lên tình
yêu vô hạn đối với manga.

Mua
manga tại Nhật Bản.
Nhiều học giả Nhật cho rằng
manga phát sinh từ thời đế chế Meiji (Minh
Trị), có gốc rễ từ nghệ thuật đồ
họa truyền thống, chống lại quan điểm cho
rằng manga là sự bắt chước truyện tranh
Mỹ, xuất hiện trong thời kỳ quân đội
Mỹ chiếm đóng Nhật sau Thế Chiến II.
Điều rõ ràng là dạng thức manga hiện
đại không khác truyện tranh Mỹ: các khung tranh
xếp đầy một trang, những hình ô-van chứa
lời thoại trỏ vào từng nhân vật. Astro Boy là truyện tranh
đầu tiên theo dạng thức Mỹ và tác giả
của Astro Boy - Osamu Tezuka - vẫn được giới
truyền thông gọi là "cha đẻ manga".
Từ truyện tranh chuyển thành phim
hoạt hình, Astro Boy có sức hấp dẫn đặc
biệt đối với khán giả truyền hình nhỏ
tuổi tại Mỹ cuối thập niên 1960 nhưng mãi
đến năm 2001 bản dịch truyện tranh Astro Boy
mới xuất hiện tại Mỹ.
Thực ra manga bắt đầu
được phát hành tại Mỹ từ cuối thập
niên 1980, bởi nhà xuất bản Viz - vốn là chi nhánh
của Shogakukan, nhà xuất bản manga lớn nhất
tại Nhật. Tuy nhiên, trong gần hai mươi năm,
công chúng Mỹ tiếp nhận manga một cách hờ
hững, Không kể những trang tranh chỉ có hai màu
đen trắng khiến manga được liệt vào loại
truyện rẻ tiền từ cái nhìn đầu tiên,
người đọc Mỹ (và các nước
phương Tây nói chung) không quen với loại sách được
đọc theo chiều "ngược" (đọc
từ sau ra trước, từ phải sang trái), không
hiểu những cách vẽ ước lệ trong manga:
cặp mắt nhân vật rất to trong khi chiếc mũi
rất bé, miệng có khi... biến mất, lại có khi
ngoác ra rất thô. Những giọt nước mắt
hoặc mồ hôi cũng to khác thường. Người đọc
Mỹ cũng "dị ứng" với những chi
tiết "không sạch sẽ" được thể
hiện trong manga: nước mũi, nước dãi,
nước tiểu và... máu.

Tiểu
thuyết Othello của Shakespeare được tái
hiện ở dạng manga.

Tiểu
thuyết Macbeth của Shakespeare được tái
hiện ở dạng manga.
Seiji Horibuchi - chàng hippie Nhật sống
tại Mỹ từ thập niên 1970, người
đứng đầu Viz - chủ trương thích nghi với
phong cách Mỹ để người Mỹ quen dần
với manga: những trang tranh được tô màu,
được chụp và lật lại để có
thể đọc theo chiều "thuận". Những
chữ Kanji tượng thanh được vẽ dính
với nhân vật được tẩy xóa tỉ mỉ,
thay bằng các từ tượng thanh trong truyện tranh
Mỹ: Wham!, Pow!,...
Khi manga trở nên dễ đọc hơn,
bắt đầu thu hút mạnh mẽ lứa tuổi
thiếu niên tại Mỹ, văn hóa Mỹ tiếp tục
kháng cự manga ở khía cạnh khác. Những chủ nhà
sách, những người quản lý thư viện không
chấp nhận manga do tính bạo lực và khiêu dâm!
JoAnn Fruchtman - chủ một hiệu sách dành
cho trẻ em ở Baltimore
- từ chối trưng bày bất kỳ loại manga nào:
"Tôi cảm thấy chúng
hầu hết đều quá bạo lực trong khi lẽ
ra chúng phải tạo được tình cảm
hướng thượng cho lứa tuổi mà chúng nhắm
đến". Betsy Mitchell - chủ biên của nhà
xuất bản Del Rey - tỏ ra tức giận với
những hình vẽ khỏa thân trong manga: "Tôi luôn bất ngờ với
những gì tôi xem. Quyển truyện tưởng như dành
cho các bé gái bỗng dưng cho thấy con gái và con trai cùng
nằm trên giường!". Mitchell không thể
hiểu nổi manga nhiều tập dành cho lứa tuổi
13 có thể kéo dài cho đến khi người đọc
lớn lên, và nội dung dần thay đổi, "thích ứng"
với tuổi trưởng thành. Từ shojo qua shonen đến
seinen, tính khiêu dâm càng
"đậm đặc" hơn. Các nhà tâm lý học lý
giải tính khiêu dâm trong manga như một cách "giải
thoát" của thanh thiếu niên trong xã hội Nhật còn
nhiều ràng buộc khắt khe.
Do "sạch sẽ" hơn shonen, thể loại shojo dễ được
chấp nhận. Truyện shojo
thường có nội dung nhẹ nhàng, lãng mạn, khôi hài. Truyện
shojo đầy những
cặp mắt long lanh như Sailor
Moon hấp dẫn cả nam lẫn nữ ở tuổi
thiếu niên. Đánh hơi lợi nhuận, các nhà xuất
bản Mỹ đổ dồn vào thể loại shojo hoặc xuất bản
thể loại shonen có chọn
lọc, cắt xén. Với hàng trăm tựa sách shojo được nhập
từ Nhật và dịch qua tiếng Anh mỗi năm, manga
dần dần lấn át truyện tranh Mỹ tại các nhà
sách. Từ áp lực của các nhà xuất bản, giới
họa sĩ truyện tranh tại Mỹ và châu Âu phải
học tập phong cách manga, kể cả lối xếp
hình "ngược"!
Từ năm 2002, nhà xuất bản Viz mạnh
dạn phát hành tại Mỹ tạp chí manga có dạng
thức giống hệt nguyên bản tại Nhật. Horibuchi
cho rằng đã đến lúc cho người Mỹ
biết "cầm đũa" vì cũng như hầu
hết người Nhật, ông không thoải mái với
những nhân vật manga mặc ngược kimono! Gần 300 trang tạp
chí có giá 5 USD trong khi truyện tranh Mỹ 32 trang có giá 9 USD.
Thật dễ hiểu vì sao tạp chí manga của Viz luôn đạt
số phát hành mỗi tháng gấp ba lần truyện tranh
ăn khách The Amazing Spider-Man.
Nhu cầu đọc manga tại Mỹ và
châu Âu tăng nhanh hơn khả năng đáp ứng
của các nhà xuất bản. Không đồng tình với
sự kiểm duyệt của các nhà xuất bản,
những người từng học tiếng Nhật mua manga
trực tiếp từ Nhật, quét từng trang vào máy tính,
chuyển ngữ lời thoại, phổ biến miễn
phí trên Web. Phong trào scanlation
("quét" và dịch manga) xuất hiện từ
thời sơ khai của Internet, mạnh dần lên khi công
chúng manga đông đảo hơn, cuối cùng tạo nên
hiệu ứng "hòn tuyết lăn" trên khắp
thế giới, mở rộng cánh cửa cho mọi
loại manga, kể cả dojinshi,
tuôn chảy vào những quốc gia có rất ít người
biết tiếng Nhật.
Những "mạng xã hội manga" nhanh
chóng hình thành từ phong trào scanlation:
OneManga, MangaFox, MangaHelpers,...
Năm 2007, các tiểu thuyết của
Shakespeare ở dạng manga được xuất bản
tại Anh. Chàng Hamlet cùng những ray rứt của mình
được "đẩy" vào một gia đình Yakuza ở tận năm 2107,
khi Trái Đất bị hủy hoại do khí hậu
biến đổi!
Nhà xuất bản Viz hợp tác với Ngân
hàng Thế giới xuất bản bộ manga One World đề cập
đến những vấn đề toàn cầu:
đại dịch HIV/AIDS, nạn đói nghèo và tham
nhũng.
Công ty chuyên doanh sách luyện thi Kaplan xuất
bản các bộ manga Warcraft:
Dragon Hunt, Psy-Comm và Van Von Hunter chứa
đựng từ vựng cần thiết cho các kỳ thi
SAT và ACT.
Cũng từ năm 2007, các công ty quảng
cáo Mỹ và châu Âu bắt đầu cung cấp dịch
vụ quảng cáo dưới dạng manga.
Từ đầu tháng 7/2010, các mạng xã
hội manga lớn bị buộc phải dỡ bỏ
những nội dung vi phạm tác quyền manga. Sau một
thời gian dài im lặng thụ hưởng lợi ích từ
việc quảng bá manga của phong trào scanlation, giới xuất bản manga đủ
tự tin để quyết định "điểm
tới hạn", bảo vệ lợi ích to lớn của
những hợp đồng cung cấp manga trên thiết
bị di động (iPhone, iPod Touch, iPad, BlackBerry và các
loại thiết bị Android).
Dù vậy manga miễn phí trên Web và manga có
trả phí dưới dạng phần mềm ứng
dụng trên thiết bị di động có lẽ sẽ
cùng tồn tại trong sự phụ thuộc hỗ
tương chặt chẽ. Giới xuất bản manga
đủ mềm dẻo để sử dụng scanlation như một công
cụ thăm dò thị trường cực kỳ hiệu
quả.
Chiến thắng cuối cùng chỉ
thuộc về văn hóa Nhật Bản - một nền
văn hóa mạnh dần lên khi học theo phương Tây.
NGỌC
GIAO