
Google Glass tựa như một máy tính được treo
ngay trên mắt người dùng, kết nối với điện thoại thông minh trong túi người
dùng để hiển thị thông tin thích hợp với vị trí, thời điểm. Glass cũng chuyển tải
tức thời dữ liệu nhận được từ ngoại cảnh (chẳng hạn, ảnh hoặc phim được ghi nhận
qua ống kính của Glass) đến các dịch vụ trên mạng. Bộ phận hiển thị của Glass
là một lăng kính, có khả năng tạo ảnh trên võng mạc trong mắt người dùng. Bạn
dùng Glass với hai tay tự do trong phần lớn thời gian và ống kính của Glass
luôn hướng về phía mà bạn đang nhìn, đó là điểm mạnh đặc thù của Glass. Điểm yếu
rõ ràng nhất của Glass là thời lượng pin ngắn.
Hiện tại, những người muốn dùng sản phẩm thử
nghiệm Glass phải chấp nhận giá đắt đỏ (1.500 USD). Google chưa cho biết giá
bán của Glass khi sản xuất hàng loạt.
Phóng viên Stephan Serowy kể lại trải nghiệm
của anh với Glass trong dịp viếng thăm trụ sở Google Germany trong tháng 9/2013
tại Hamburg (Đức) cùng hai đồng nghiệp nữ ở tạp chí AndroidPIT:
"Tôi
thấy Glass rất nhẹ. Glass không cản trở tầm nhìn như tôi từng hình dung, vì bộ
phận hiển thị nằm ngay trên mắt, chứ không phải trước mắt. Bạn điều khiển Glass
nhờ mặt cảm ứng (touchpad) ở gần thái dương. Điều này hơi bất tiện cho hai đồng
nghiệp nữ của tôi vì mái tóc dài của họ. Bạn chỉ nên dùng Glass những lúc cần
thiết. Thời lượng pin ngắn không đủ cho Glass hoạt động suốt ngày.
Để
Glass hoạt động, bạn vỗ vào mặt cảm ứng. Để chuyển qua lại giữa các màn hình, bạn
vuốt tới lui trên mặt cảm ứng. Khi dùng dịch vụ Google Now, bạn ra lệnh cho
Glass bằng lời nói.
Tôi đặt
nhiều câu hỏi quan trọng với người đại diện của Google nhưng không biết được gì
nhiều. Họ chỉ cho biết Glass sẽ được phát hành chính thức trong năm 2014 vào thời
điểm nào đó. Về giá bán, họ nói rằng: 'Chúng tôi không phải Apple'. Nghĩa là
giá bán sẽ thấp hơn 1.500 USD như hiện nay. Họ khẳng định Google sẽ không đưa
vào Glass chức năng nhận diện khuôn mặt và cung cấp thông tin tương ứng với
khuôn mặt, để tránh rắc rối liên quan đến quyền riêng tư. Google sẽ không phát
hành Glass nếu chưa giải quyết được các vấn đề phát sinh từ quyền riêng tư. Về
chức năng chụp ảnh bằng cách chớp mắt, họ không thể nói trước.
Tôi
nghĩ rằng những người yêu thích công nghệ mới chắc chắn sẽ mua Glass nếu Glass
có giá hợp lý trong khoảng từ 200 USD đến 500 USD. Glass có rất nhiều tiềm năng
miễn là Google cải thiện được thời lượng pin, hiện đang còn quá ngắn. Dù sao,
Glass rõ ràng là tiến bộ công nghệ gây ấn tượng mạnh nhất từ sau sự xuất hiện của
màn hình cảm ứng. Glass sẽ thay đổi thế giới khi bước vào thị trường".

Vì Glass còn là sản phẩm... quý hiếm, người
đeo Glass ở mắt khi dạo bước trên phố luôn được mọi người chú ý. Những hình ảnh
được ghi nhận qua Glass luôn thu hút người xem mạnh mẽ hơn so với máy quay
phim, chụp ảnh thông thường. Trong việc tường thuật các sự kiện, bắt đầu xuất
hiện các phóng viên dùng Glass. Brian
Hernandez - biên tập viên của tạp chí Mashable - đã dùng Glass để tường thuật
lễ hội mừng năm mới 2014 với những giây phút đếm ngược tại quảng trường Times
Square ở New York.
Trong lĩnh vực biểu diễn, bắt đầu xuất hiện
các nghệ sĩ dùng Glass. David
Bryan - thành viên của ban nhạc Bon Jovi (thể loại hard rock/heavy metal) bắt đầu đeo Glass khi biểu diễn từ tháng
7/2013. Người hâm mộ có thể theo dõi quang cảnh buổi diễn của Bon Jovi qua góc
nhìn của Bryan, từ hậu trường đến sân khấu.
Đã có những người đeo Glass khi ngỏ lời cầu hôn
hoặc khi làm lễ
cưới. Lễ cưới của đôi uyên ương Jessica Kuan và Steven
Soong (8/2013, Vancouver, Canada) trở nên nổi tiếng vì Kuan là cô dâu đầu tiên
đeo Glass khi cùng chú rể bước qua các hàng ghế, đến chỗ làm phép cưới. Kuan
cho biết cô và chồng đều say mê công nghệ. Kuan muốn ghi lại khoảnh khắc hồi hộp
nhất của đời mình, với góc nhìn của mình.

Cô dâu Jessica Kuan đeo Google Glass trong ngày cưới (8/2013,
Vancouver, Canada).
Glass cũng bắt đầu hấp dẫn những người lập
trình ứng dụng. Ứng dụng Moment Camera
dùng ống kính của Glass để phát hiện có khuôn mặt mới nào đó trong tầm nhìn, tự
động chụp ảnh và gửi về máy chủ. Nhờ các bộ cảm biến của Glass, Moment Camera
cũng tự quyết định chụp ảnh ở những thời điểm "đáng chụp". Người dùng
Glass sẽ không cần quan tâm đến việc chụp ảnh.
Ứng dụng Captioning on Glass
dành cho người mất thính giác, có chức năng chuyển giọng nói của người gọi đến
thành dòng chữ hiển thị trước mắt người dùng Glass. Nhờ vậy, người mất thính
giác có thể trò chuyện tự nhiên với người đối diện thông qua cuộc gọi.
Ứng dụng Allthecooks cung cấp dịch vụ gia chánh
trên Glass, hướng dẫn từng bước cách làm món ăn khi người dùng đang thực sự làm
bếp.
Trong tháng 2/2013, Google phát động cuộc
thi sáng tạo If I had Glass (nếu tôi
có Glass) ở mạng xã hội Twitter và Google+. Người tham dự chỉ cần viết một hoặc
vài câu diễn đạt việc mình sẽ làm nếu như có Glass, bắt đầu với từ chốt #ifihadglass. "Vô số"
ý tưởng được phát biểu sôi nổi:
"Tôi
sẽ làm phim tài liệu trên đường phố".
"Tôi
sẽ chụp nhiều ảnh đẹp khi đạp xe, trượt tuyết, leo núi".
"Tôi
sẽ chụp ảnh, quay phim khi bơi hoặc lướt sóng, nếu Glass chống nước".
"Tôi
sẽ làm phim hướng dẫn chế tạo các mạch điện tử thú vị ngay khi tôi đang tiến
hành".
"Tôi
sẽ dùng Glass khi tham quan các viện bảo tàng. Tôi cần có thông tin về từng bức
tranh mà tôi đang xem".
"Tôi
cần Glass cung cấp thông tin cho tôi khi đi thăm Thảo Cầm Viên".
"Tôi
sẽ không còn lo về phép lịch sự vì đã có Glass nhắc nhở".
"Tôi
sẽ chụp hình bất cứ ai nhìn chằm chằm vào tôi".
"Tôi
cần Glass cung cấp chức năng nhìn xuyên tường, nhìn trước những gì đang khuất ở
góc đường".
"Tôi
cần Glass cho biết con chó Buster của tôi đang nghĩ gì khi tôi nhìn nó".
"Tôi
sẽ giả vờ lắng nghe người đối diện trong khi đang lướt trên mạng".
"Tôi
cần dịch vụ môi giới hôn nhân trên Glass, cho tôi biết người đối diện có hợp với
tôi không".
(...)
Chắc bạn cũng đang thử hình dung mình sẽ
làm gì với Glass? Nếu như bạn "không thèm" quan tâm đến Glass, không
muốn nghe nói về sản phẩm "tào lao" đó, có lẽ Glass vẫn cứ khuấy động
cuộc sống và tác động đến bạn theo nhiều cách.
NGỌC GIAO