Từ tháng 1/2015, hai công ty Intel và Dell
cùng nhau thực hiện một phim truyện mang tên What
Lives Inside để quảng cáo cho máy tính bảng thuộc dòng Venue 8 7000 Series của Dell - loại máy
dùng bộ xử lý mới nhất của Intel, thể hiện công nghệ Intel RealSense. Theo dự kiến, phim
sẽ được đưa lên YouTube vào ngày 6/5/2015.
Công nghệ Intel RealSense chủ yếu dựa trên ống
kính 3D (3D camera). Ống kính 3D gồm ba ống kính hoạt động phối hợp, tiếp nhận cả
ánh sáng lẫn sóng hồng ngoại để tạo lập mô hình ba chiều của người dùng và cảnh
quan phía trước ống kính. Nhờ ống kính 3D, máy tính bảng của Dell nhận biết
hình dạng, vị trí của người dùng, những người khác và vật thể chung quanh.
Công nghệ Intel RealSense dẫn đến một loạt ứng
dụng đặc sắc. Người dùng máy tính bảng (và máy tính nói chung) có thể điều khiển
hoạt động của máy bằng cử chỉ của tay, không cần chạm vào màn hình (vì máy nhận
biết chính xác cử động, tư thế của từng ngón tay). Do máy ghi nhớ khuôn mặt người
dùng bằng mô hình ba chiều (thay vì hình phẳng hai chiều), việc nhận diện khuôn
mặt người dùng đủ chính xác để thay thế vai trò của mật khẩu. Dữ liệu ba chiều
về người dùng và cảnh quan chung quanh cho phép việc chụp ảnh bằng ống kính 3D
có ưu thế độc đáo: người dùng có thể lấy nét tại các điểm khác nhau của khung ảnh
sau khi chụp ảnh.

Máy tính bảng Dell
luôn đi cùng nhân vật chính trong phim What Lives Inside (2015).
Intel và Dell mong muốn thể hiện những tiến
bộ của công nghệ Intel RealSense trên máy tính bảng Dell trong phim What Lives Inside. Nhưng khác với phim
quảng cáo thông thường, What Lives Inside
là một phim truyện thực sự. Nhân vật chính của phim - Taylor (diễn viên Colin
Hanks) - là con trai của một nghệ nhân chế tạo búp bê nổi tiếng (diễn viên J.K.
Simmons, vừa đoạt giải Gloden Globe trong phim Whiplash). Sau khi cha mất, Taylor tình cờ phát hiện cánh cửa nhỏ
đi vào thế giới diệu kỳ, nơi mà những búp bê của cha anh thực sự là sinh vật sống.
Trong cuộc hành trình lạ lùng của mình, Taylor luôn mang theo bên mình... máy
tính bảng Dell.
What
Lives Inside được thực hiện với "chất lượng Hollywood".
Đạo diễn của phim là Robert Stromberg, người từng đoạt hai giải Oscar (phim mới
nhất do Stromberg đạo diễn là Maleficient).
Dù vậy, What Lives Inside vẫn chỉ là
phim quảng cáo bình thường nếu Intel và Dell không áp dụng phong cách
"phim xã hội". Thông qua trang mạng của phim What Lives Inside, mọi người có thể theo dõi tiến trình làm phim và
đề xuất các mẫu nhân vật búp bê trong phim. Đóng góp của những người hâm mộ vào
nội dung của phim vượt sức tưởng tượng của đạo diễn giàu trí tưởng tượng như Stromberg:
"Sự tương tác giữa phim và người xem
là điều cực kỳ thú vị đối với tôi. Chúng tôi đã nhận được trên 6000 bản phác họa
nhân vật. Thật kinh khủng! Sự quan tâm của người xem vượt quá xa so với hình
dung của chúng tôi về cuộc thử nghiệm. Tôi rất thích cách làm này. Khi được góp
phần kích thích cảm hứng sáng tạo của người xem, chính tôi, với tư cách một nghệ
sĩ, cũng có nhiều cảm hứng sáng tạo hơn".
What
Lives Inside không phải là phim đầu tiên Intel thực
hiện theo phong cách phim xã hội. Để quảng cáo thương hiệu Intel Inside, trong năm 2011, Intel hợp tác với Toshiba thực hiện
phim Inside, một kiểu lai tạo giữa điện
ảnh và trò chơi xã hội (social game). Trong phim, nhân vật Christina (diễn viên
Emmy Rossum) bỗng nhiên thấy mình bị nhốt trong một căn phòng hoàn toàn xa lạ
khi thức giấc. Cô không biết mình đang ở đâu và ai đã đưa cô đến đó. Giữa phòng
có một chiếc... máy tính xách tay Toshiba với kết nối Internet Wi-Fi! Christina
kể lại tình trạng của cô trên Facebook và Twitter, cố gắng mô tả từng chi tiết
trong căn phòng bằng lời hoặc bằng ảnh chụp. Phim được chiếu từng phần trên
YouTube. Người xem phim thực sự tương tác với Christina qua Facebook và Twitter,
dựa trên những manh mối do Christina cung cấp để phán đoán vị trí của căn phòng
và góp phần khám phá âm mưu của kẻ giấu mặt nào đó đã giam hãm Christina. Các
nhà làm phim quyết định diễn biến trong phần tiếp theo của phim dựa vào ý tưởng
nào đó từ người xem, được cho là hay nhất. Phim Inside kéo dài từ ngày 25/7/2011 đến ngày 6/9/2011. Hiện nay, phim Inside dường như đã biến mất trên
Internet!

Phim Inside (2011).
Trong năm 2012, Intel và Toshiba tiếp tục hợp
tác để thực hiện phim The Beauty Inside,
phim đầu tiên mà người xem phim có cơ hội đóng vai chính của phim. Trong phim,
nhân vật Alex mỗi ngày thức dậy đều thấy mình có một cơ thể khác, nhưng ký ức của
anh không thay đổi. Bên trong Alex vẫn là một người duy nhất. Những gì xảy đến
với Alex mỗi ngày đều được anh trình bày trên Facebook. Người xem tương tác với
Alex qua Facebook và có thể tình nguyện vào vai Alex trong những ngày tiếp
theo. Khi Alex gặp Leah (diễn viên Mary Winstead), câu chuyện tình của đời anh
bắt đầu. Thật trớ trêu, Alex chỉ tiếp tục thay đổi nếu anh vẫn giữ được ký ức của
mình, tính cách của mình. Alex gặp lại Leah mỗi ngày, nhưng với Leah, Alex là
người xa lạ mà cô tình cờ gặp trong một ngày duy nhất. Intel và Toshiba dường
như muốn nhấn mạnh: "bộ xử lý" bên trong Alex mới là thứ quan trọng
nhất!

Phim The Beauty
Inside (2012).
Trong năm 2013, Intel và Toshiba thể hiện ý
tưởng tương tự qua phim Power Inside,
nhưng không phải bằng câu chuyện tình. Nhân vật chính của phim - Neil (diễn
viên Craig Roberts) - tìm cách cứu thế giới trước họa xâm lược của giống người
ngoài hành tinh mang tên Urick. Những ai bị người Urick biến thành tay sai sẽ...
mọc râu. Neil là người có "quyền lực bên trong", giúp anh kháng cự,
không trở thành tay sai của Urick. Tuy bộ râu trở thành chi tiết quan trọng một
cách hài hước, có thể xem Power Inside
thuộc thể loại phim kinh dị. Power Inside
cũng tương tác với người xem qua Facebook và diễn biến của phim ít nhiều phụ
thuộc vào ý kiến của người xem. Những người xem muốn góp mặt trong phim Power Inside, muốn trở thành đội quân
tay sai ngày càng đông đảo của Urick hoặc muốn tham gia lực lượng kháng cự ít ỏi
không có râu, phải gửi ảnh chân dung của mình cho các nhà làm phim.
Ý tưởng về phim xã hội - phim được thực hiện
với sự hợp tác rộng lớn thông qua Internet - đã được thực hiện từ lâu bởi những
người đam mê điện ảnh, chuyên nghiệp hoặc không. Phim Him, Her and Them (2011) được xem là "phim Facebook"
tiên phong vì là phim đầu tiên dùng Facebook làm phương tiện tương tác, thu thập
ý kiến của người xem, dựa vào số lượt thích đối với từng đề xuất để quyết định
diễn biến của phim. Tuy nhiên, phim xã hội được thực hiện với nguồn lực dồi dào
của Intel luôn là phim có tính chuyên nghiệp cao (phim The Beauty Inside từng đoạt nhiều giải thưởng trong các liên hoan
phim). Hiệu quả xã hội của các "phim Inside" đang có tính lan tỏa, thu
hút sự chú ý của nhiều thương hiệu lớn. Có lẽ phim xã hội sẽ trở thành một loại
hình, một dòng chảy sôi động của điện ảnh?
NGỌC GIAO