Phim ngắn Seeds (Hạt giống) xuất hiện ở Youtube nhân Ngày Của Mẹ
(Mothers' Day) năm 2014, là một trong những nỗ lực của Google trong việc quảng
bá Glass - sản phẩm đầu tiên hiện thực hóa khái niệm "kính mắt thông
minh". Phim chỉ dài hai phút rưỡi, kể về chuyến đi từ Mỹ đến Ấn. Phim được
quay hoàn toàn bằng Glass, luôn luôn thể hiện góc nhìn của nhân vật chính.
Tuy phim không lời, tuy phim không cho thấy
diện mạo nhân vật chính, người xem dễ dàng đoán biết nhân vật chính là một người
Ấn sống tại Mỹ, về thăm mẹ ở quê nhà và báo tin vui rằng mình sắp có con đầu
lòng. Người xem dường như nhập vai nhân vật chính trong hành trình từ Mỹ qua Nhật,
về Ấn, di chuyển bằng nhiều phương tiện: máy bay, tàu hỏa, xuồng máy, xích
lô,... Người xem dễ dàng cảm nhận niềm vui của một người được gặp lại mẹ mình
sau những ngày xa cách, được thưởng thức bữa ăn đầy ắp hương vị quê hương.
Phim Seeds
là tác phẩm của Aneesh Chaganty - nhà làm phim 23 tuổi, người Mỹ gốc Ấn. Anh đã
đeo kính Glass để quay phim trong chuyến đi thực sự từ Los Angeles, qua Tokyo,
về đến nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở một vùng quê nước Ấn. Phim của Chaganty
được Google tài trợ. Người vợ và người mẹ trong phim đều là diễn viên Ấn chuyên
nghiệp.
Phim của Chaganty minh họa một trải nghiệm
hoàn toàn mới. Nếu như những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời người được ghi nhận
theo cách giống như trong phim, hình ảnh được lưu giữ là vô giá! Ai không muốn
có những báu vật ấy? Ai có thể ghét kính Glass, ghét người đeo kính Glass?
Thế nhưng số người ghét Glass tại Mỹ dường
như ngày càng nhiều. Đó là nguyên nhân xuất hiện từ Glasshole, do ghép hai từ Glass
và asshole, ý nói "kẻ khốn kiếp
đeo kính Glass". Bắt đầu có những nơi treo bảng cấm Glass!


Aneesh Chaganty và phim Seeds.
Nhà báo Pete Pachal (tạp chí Mashable,
1/4/2014) - người tham gia chương trình thử nghiệm Glass Explorers của Google - nhận
xét rằng hiện có những phản ứng xã hội bất lợi cho Glass. Trong năm 2013, khi
Pachal đeo kính Glass ở nơi công cộng, nhiều người ngạc nhiên và hỏi đó là thiết
bị gì. Khi Pachal giải thích về Glass, người hỏi luôn tỏ ra ngạc nhiên, thú vị.
Sang năm 2014, tình thế đang chuyển qua hướng ngược lại. Khi thấy Pachal đeo
kính Glass, có người tỏ ra hiểu biết: "Này,
đấy có phải là Google Glass?". Nhưng kèm theo câu hỏi là thái độ khó
chịu, không thân thiện. Người hỏi cho rằng người đeo kính Glass đang tự tiện
ghi hình người đối diện, xâm phạm quyền riêng tư.
Thái độ không thân thiện đối với người đeo
kính Glass đôi khi chuyển thành hành động thô bạo, côn đồ. Nhà báo công nghệ Sarah
Slocum (2/2014) kể rằng khi cô đeo kính Glass trong một nhà hàng ở San
Francisco, nhiều người tỏ ra khó chịu. Có lẽ họ nghĩ rằng Slocum đang tự tiện
quay phim (quả thực đúng như vậy!). Ai đó đã giật phăng kính Glass trên mặt cô.
Slocum đã không thể lấy lại kính Glass của mình, mất luôn cả ví và điện thoại
trong lúc giằng co!
Theo cuộc thăm
dò tại Mỹ trong tháng 4/2014 của công ty nghiên cứu thị trường Toluna, có đến
72% số người được hỏi không muốn dùng Glass vì cho rằng đó là thiết bị xâm phạm
quyền riêng tư.
Thấy trước điều này, Google (2/2014)
từng khuyên những người thử nghiệm Glass rằng Glass có chức năng giống như điện
thoại (cũng dùng để liên lạc, chụp ảnh, quay phim và chia sẻ thông tin), nên khi
dùng Glass phải ứng xử giống như khi dùng điện thoại và cần kiên nhẫn giải
thích để mọi người hiểu về Glass. Cũng như khi dùng điện thoại, người dùng
Glass phải xin phép nếu muốn chụp ảnh, quay phim. Google cũng cẩn thận dặn dò
thêm: người dùng Glass không nên quá... chú tâm vào Glass để không có hành động
ngớ ngẩn, kỳ dị trong mắt mọi người.


Để cải chính cho Glass, Google giải thích những
điều ngộ nhận về Glass ở trang Google Plus
(21/3/2014):
Glass
là phương tiện cực mạnh làm cho người dùng... phân tâm. Người dùng Glass chỉ bật Glass khi cần. Thay vì luôn cúi nhìn màn
hình trên tay như khi dùng điện thoại hay máy tính bảng, Glass giúp người dùng
nhìn thẳng vào cảnh vật trước mặt.
Glass
luôn luôn ghi hình mọi thứ. Giống như màn hình điện
thoại, bình thường màn hình Glass không hoạt động. Theo mặc định, việc ghi hình
của Glass chỉ kéo dài mười giây. Người dùng có thể quy định lại, cho ghi hình
lâu hơn. Ghi hình lâu khiến Glass nhanh chóng hết pin (thời lượng pin của Glass
chỉ khoảng 45 phút).
Glass
sắp xuất hiện trên thị trường. Glass với hình dạng
hiện nay chỉ là sản phẩm thử nghiệm, nhằm thu nhận phản hồi từ người dùng. Sản
phẩm cuối cùng có thể hoàn toàn khác. Khi ấy, người dùng có lẽ sẽ thấy Glass thử
nghiệm hiện nay trông... tức cười như điện thoại di động trong thập niên 1980.
Glass
giúp nhận diện khuôn mặt và làm nhiều điều khuất tất. Google đã quyết định không đưa chức năng nhận diện khuôn mặt vào
Glass, trừ khi có giải pháp chế ngự tính tiêu cực của chức năng nhận diện.
Google sẽ xem xét một cách thủ công từng ứng dụng gửi đến cửa hàng ứng dụng trước
khi cho phép chạy trên Glass để giữ vững tôn chỉ của mình.
Glass
che chắn tầm nhìn. Nhiều người khó chịu khi nghĩ đến
màn hình đặt ngay trước mắt. Màn hình Glass thực ra ở trên mắt, chứ không ở trước
mắt. Người dùng có thể nhìn thẳng cảnh vật phía trước, không cần nhìn vào màn
hình Glass. Glass tự động tạo ảnh trên võng mạc.
Glass
là thiết bị dùng để theo dõi một cách bí mật. Nếu
muốn theo dõi người khác một cách bí mật, phải thiết kế thiết bị hoàn toàn
khác. Hiện đã có nhiều máy ghi hình nhỏ gọn đeo trên người mà người khác khó
phát hiện. Trong khi đó, Glass "lồ lộ" trên mặt người dùng và còn có
đèn bật sáng khi hoạt động.
Người
dùng Glass hiện nay là người giàu. Giá của Glass
còn cao (1500 USD) nhưng không phải mọi người dùng Glass hiện nay đều là người
mua Glass. Google đã tặng Glass cho nhiều người để họ giúp Google thử nghiệm.
Glass
bị cấm dùng ở khắp nơi. Glass chỉ là cách thể hiện khác
của màn hình điện thoại di động. Tại những nơi có yêu cầu tắt điện thoại di động,
yêu cầu ấy tự nhiên có hiệu lực với Glass. Cũng như những quy tắc ứng xử với điện
thoại di động dần dần hình thành từ khi điện thoại di động xuất hiện, Glass sẽ
có những quy tắc ứng xử thích hợp và mọi người sẽ dần quen thuộc, thoải mái với
Glass.
Glass
kết liễu quyền riêng tư. Khi máy ảnh xuất hiện vào
thế kỷ 19, mọi người cũng nói nó xâm phạm quyền riêng tư. Máy ảnh từng bị cấm ở
nhiều nơi công cộng. Khi điện thoại bắt đầu có chức năng chụp ảnh, mối lo ngại
tương tự cũng dấy lên, nhưng ngày nay mọi người đều quen thuộc với việc chụp ảnh
bằng điện thoại.
Lý lẽ của Google có sức thuyết phục nhưng
chuyển biến tâm lý của cộng đồng cần thời gian không ngắn. Ống kính ghi hình hiện
nay hầu như được lắp đặt ở mọi nơi công cộng và mọi người đều bị theo dõi thường
trực, kín đáo. Tuy nhiên, ống kính ghi hình được trang bị cho ai đó đứng giữa
đám đông là chuyện không dễ chịu đối với mọi người chung quanh. Phản ứng thái
quá đối với Glass của người không đeo Glass còn có phần đóng góp của cảm giác
thua thiệt, ganh tỵ.
Nhiều người dùng thử Glass ao ước Glass
trong tương lai giống như kính mắt bình thường, để không ai chú ý. Tuy nhiên, khi
Glass lui vào "hoạt động bí mật", Glass trở nên... nguy hiểm hơn, biết
đâu "hội chứng Glass" trong xã hội còn mạnh hơn, phức tạp hơn!
NGỌC GIAO