Tính
từ ngày công bố chính thức 23/5/1995, ngôn ngữ Java nay đã 15 tuổi, trở thành
ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất thế giới (ngang với ngôn ngữ C). Thế nhưng,
trong những ngày này, chính "Già James" cũng không rõ tương lai của
ông sẽ ra sao sau khi xin nghỉ việc ở Công ty Oracle.
James
Gosling
Ngày 2/4/2010 đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của
Gosling, ông không đến nơi làm việc thân thuộc của mình nữa và... không biết
nên làm gì trong thời gian tới. Sau hơn hai thập kỷ gắn bó với Công ty Sun
Microsystems lừng danh, ông chứng kiến "mặt trời" của mình lặn dần.
Công ty Oracle đề nghị mua lại Sun từ tháng 4/2009. Nay việc sáp nhập đã hoàn
tất. Sau những đợt cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương bổng đối với những nhân
viên cũ của Sun, Oracle vẫn dành cho Gosling một vị trí danh giá trong guồng
máy mới: giám đốc kỹ thuật.
"Tại sao tôi ra
đi, thật khó giải thích, vì nếu tôi nói thẳng, nói thật thì không có lợi cho ai
cả. Điều làm tôi buồn nhất là không còn được làm việc với những người đầy tài
năng mà tôi có đặc ân được gắn bó với họ trong nhiều năm. Thực tình tôi không
biết nên làm gì tiếp theo ngoài việc nghỉ ngơi một thời gian trước khi săn tìm
việc mới. Tôi rời Oracle không phải vì có chỗ làm mới nào đó tốt hơn...".
Lời tâm sự của Gosling trên trang blog
của ông thoáng chút ngậm ngùi. Không khó lắm để nhận ra từ câu chữ của Gosling sự
va chạm trong văn hóa công ty giữa những nhân viên cũ của Sun và "ông chủ
mới" Oracle.
Tuy Oracle cam kết tiếp tục phát triển công nghệ Java, riêng
với Gosling, có những mất mát không thể bù đắp, chìm đắm cùng với cái tên Sun
Microsystems.
"Khi tôi gia nhập
Sun vào năm 1984 (ôi trời, không ngờ lâu đến thế!), một trong những điều hấp
dẫn nhất đối với tôi là công nghệ mạng máy tính của Sun: mọi máy tính trong
công ty đều có kết nối mạng. Vào thời ấy, đó là chuyện hiếm thấy. Tôi quen biết
Bill Joy và Andy Bechtolsheim từ lâu. Họ rủ tôi về với Sun ngay từ khi thành
lập công ty vào năm 1982 nhưng không hiểu sao tôi khờ dại từ chối. Ngày đó, Sun
đề ra tôn chỉ lạ lùng: "The Network is the Computer" (Mạng là Máy
tính). Với nhiều người, cách nói đó dường như vô nghĩa. Nhưng hãy thử hình dung
những việc có thể làm khi bạn kết nối nhiều máy tính với nhau...".
Khi mạng máy tính được hình thành, nó có sức sống lạ thường.
Đó là "máy tính" cực kỳ phức tạp và thông minh. Những năm sau này,
Gosling sửa lại tôn chỉ của Sun cho súc tích hơn, mạnh mẽ hơn: "The
Network Is" (Mạng là tất cả).
Duke
(đại diện Java) và Tux (đại diện Linux) tiễn đưa Sun Microsystems (ảnh do James
Gosling dàn dựng).
Công nghệ Java đã ra đời từ tầm nhìn xa rộng đó. Tháng
12/1990, Sun khởi động dự án Green nhằm định hình bước đi chiến lược trong thời
kỳ phát triển tiếp theo. Nhóm dự án Green lúc đầu gồm ba người: Patrick
Naughton, Mike Sheridan và James Gosling, nhanh chóng đưa ra kết luận rằng một
trong những "làn sóng" của tương lai là sự hội tụ của các thiết bị
gia dụng, các thiết bị cá nhân dùng kỹ thuật số với máy tính.
Bill Joy - "kiến trúc sư trưởng" (chief scientist)
của Sun - yêu cầu nhóm Green phải xây dựng bằng được một công nghệ mới, tạo nên
sức đột phá của Sun trong tương lai. Nhóm Green thực hiện bước đầu tiên với
việc thiết kế một thiết bị cầm tay, có khả năng chạy chương trình như máy tính.
Những chuyên viên dày dạn kinh nghiệm của bộ phận thiết kế máy tính SPARC (một
sản phẩm của Sun) được gọi vào nhóm Green.
Tháng 3/1992, nhóm Green chế tạo hoàn chỉnh sản phẩm mẫu
mang tên Star Seven (*7). Máy tính cầm tay *7 có màn hình chạm (touchscreen)
với kích thước 5 inch, hiển thị được màu sắc thực 16 bit, có khả năng kết nối
mạng không dây ở tần số 900MHz, dùng hệ điều hành Unix nhỏ gọn (1 MB) trong bộ
nhớ Flash. *7 được trang bị phần mềm nền tảng để phát triển ứng dụng. Ứng dụng
trên *7 không chỉ tạo ra giao diện người dùng trên màn hình gồm những cửa sổ và
nút bấm, mà còn có thể phát ra âm thanh, hiển thị hình ảnh động với kênh trong
suốt alpha.
Ngay từ lúc đó, Joe Palrang - kỹ sư thuộc nhóm Green - đã vẽ
ra một "hoạt náo viên" mang tên Duke để trình diễn trên màn hình của
*7. Phần mềm nền tảng và ngôn ngữ lập trình để phát triển ứng dụng trên *7 về
sau được đặt tên là Java. Chàng Duke trở thành biểu tượng vui của công nghệ
Java.
Gosling thiết kế ngôn ngữ Java, viết trình biên dịch và phần
mềm nền tảng để chạy ứng dụng Java.
Máy
tính cầm tay *7.
Thật đáng kinh ngạc về những gì nhóm Green đã tạo ra cách
nay gần hai thập niên! Ý tưởng về phần cứng và phần mềm thể hiện bởi *7 ngày
nay được thực hiện hoàn chỉnh bởi điện thoại dùng hệ điều hành Android của
Google. Phần mềm ứng dụng cho điện thoại Android cũng được xây dựng trên một
phần mềm nền tảng dễ dàng thích nghi với sự đa dạng của phần cứng và cũng được
lập trình bằng ngôn ngữ Java.
Đáng tiếc cho Sun, ở thời kỳ đầu thập niên 1990, *7 khó đi
vào cuộc sống do giá thành quá cao (*7 đi trước thời đại quá xa). Dù vậy, Sun
kiên trì đầu tư xây dựng hoàn chỉnh công nghệ Java, từ kỹ thuật kết nối mạng,
kết nối với cơ sở dữ liệu, cho đến các chức năng đồ họa 2D/3D và truyền thông
đa phương tiện (multimedia).
Khi xuất hiện trình duyệt Netscape Navigator, Sun lập tức
hợp tác với Netscape để tìm "đất dụng võ" cho công nghệ Java. Công
nghệ Java kết hợp với trình duyệt tạo nên nền tảng cho ứng dụng truyền qua
internet, độc lập với hệ điều hành. Năm năm sau đó, công nghệ tương tự Java
mang tên .NET của Microsoft ra đời như một phương tiện chống trả mối đe dọa từ
Java.
Do bao quát nhiều lĩnh vực, Java không có chức năng hiển thị
hình vector động trên trang web. Thật bất ngờ, thiếu sót "nhỏ bé" đó
kích thích công nghệ Flash xuất hiện. Khi lớn mạnh nhanh chóng từ nhu cầu quảng
cáo trên internet, Flash mới được bổ sung dần dần những chức năng mà Java có từ
lâu.
Để công nghệ Java trở nên phổ biến, Sun cung cấp miễn phí mã
nguồn phần mềm nền tảng và trình biên dịch Java. Phần mềm nền tảng Java sau trở
thành phần mềm nguồn mở. Việc xây dựng công cụ lập trình cho Java cũng được Sun
tiến hành dưới dạng dự án nguồn mở (dự án NetBeans).
Những năm sau này, Gosling tập trung vào việc xây dựng các
công cụ lập trình Java chuyên nghiệp và nền tảng Java cho hệ thống điều khiển
theo thời gian thực (real-time system).
Vốn là công ty cung cấp máy chủ mạnh và giải pháp hệ thống
thông tin lớn, rốt cuộc Sun đã không đầu tư vào lĩnh vực điện tử tiêu dùng để tạo
ra sản phẩm phần cứng và phần mềm đặc thù (điều mà Apple đã làm với iPhone) dù
có những sáng tạo công nghệ đột phá từ rất sớm trong lĩnh vực đó. Không chỉ
Java, hệ điều hành Solaris của Sun cũng được chuyển thành nguồn mở. Sun muốn
xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên phần mềm nguồn mở nhưng điều đó hóa ra có
lợi nhiều hơn cho các công ty đối thủ.
Khi Sun không còn nữa, một số chuyên gia gạo cội của Sun,
bạn bè của Gosling, không tiếp tục làm việc cho Oracle, mở ra các công ty nhỏ. Gosling
phân vân: "Cái tạng của tôi phù hợp
với việc nghiên cứu hơn kinh doanh". Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế
không mấy khả quan của nước Mỹ, ông thấy rõ việc tiếp cận các nguồn vốn trở nên
rất khó khăn.
Có người dự đoán Gosling sẽ hợp tác với Google trong dự án
ngôn ngữ lập trình GO. Gosling cũng có thể tham gia vào việc xây dựng nền tảng
Google App Engine do chuyên gia Tim Bray chủ trì (Tim Bray là bạn cũ của
Gosling ở Sun).
Có ý kiến cho rằng với kinh nghiệm toàn diện về Java,
Gosling vô cùng thích hợp với việc phát triển công nghệ .NET tại Microsoft, bên
cạnh chuyên gia Anders Hejlsberg (cha đẻ công cụ lập trình Turbo Pascal, cha đẻ
ngôn ngữ C#). Gosling và Hejlsberg sẽ là "khẩu súng hai nòng" của
công nghệ lập trình Microsoft.
Những người thân quen khuyên Gosling nên làm việc cho IBM, ở
đó ông có thể xây dựng ngôn ngữ lập trình mới mạnh hơn Java (thực ra, Gosling
từng làm việc cho IBM trước khi về với Sun).
Lại có tin đồn Gosling sẽ trở về quê hương Canada để dạy học. Chắc chắn ông sẽ
là người thầy "đắt giá" trong ngành Khoa học Máy tính.
Thực ra, Gosling vẫn chưa thôi nghĩ về Java: "Java còn sống rất lâu. Tuy con đường của
Java trở nên phức tạp nhưng sức sống của Java vẫn mạnh mẽ. Tôi sẽ tiếp tục tham
gia vào việc phát triển Java, chỉ có điều hiện giờ tôi chưa biết sẽ tham gia
như thế nào".
Trên trang blog của mình, Gosling cảm ơn những lời khuyên
đầy tình cảm về công việc xứng tầm với ông và hóm hỉnh trưng bày hình ảnh tương
lai của mình: người bán hotdog.
"Nghề
mới của tôi" - ảnh do James Gosling dàn dựng.
NGỌC
GIAO