Trong tháng 1/2014, nhiều chuyên trang công
nghệ danh tiếng (CNN, Huffington Post, CNET, The Verge, Tech Crunch, Venture
Beat,...), cùng rất nhiều trang cá nhân đã đưa tin, bình luận về trò chơi Flappy Bird, tương tự trường hợp trò
chơi Angry Birds của Công ty Rovio vào
năm 2010. Tại cửa hàng trực tuyến iTunes của Apple ở nhiều quốc gia, Flappy
Bird đánh bại trò chơi lừng danh Candy Crush, vượt trên các ứng dụng phổ biến
như Snapchat và Facebook. Sức hút lạ thường của Flappy Bird thể hiện ở ngay
tiêu đề của những bài bình luận: "Why The Heck Is Everyone Playing
Flappy Bird?" (điều quái quỷ gì khiến mọi người đều chơi Flappy
Bird?), "Everyone is playing Flappy Bird and no
one knows why" (mọi người đều chơi Flappy Bird nhưng không ai hiểu
tại sao), "I Hate Flappy Bird, But I Can’t Stop
Playing It" (tôi ghét Flappy Bird nhưng tôi không thể ngừng chơi).
Khác với Angry Birds, trò chơi Flappy Bird
được phát triển bởi chỉ một người. Trả lời phỏng vấn trên trang mạng Chocolate Lab Apps, tác giả Nguyễn
Hà Đông cho biết anh tạo ra Flappy Bird chỉ trong vài ngày, ngoài giờ làm việc.
Luật chơi của Flappy Bird rất đơn giản: người chơi phải liên tục dùng ngón tay
gõ vào màn hình để làm cho chú chim béo ú ngộ nghĩnh vỗ cánh, bay lọt qua các
khe hở. Qua mỗi khe hở, người chơi được một điểm. Nếu đụng vào vật cản, chú
chim "chúi mũi" xuống đất, trò chơi kết thúc. Hình vẽ trong trò chơi
cũng đơn giản, theo phong cách của máy trò chơi cũ (video arcade).
Ganh đua về điểm số trong Flappy Bird đang
là cuộc chơi sôi nổi của các "đối thủ" trên mạng xã hội Twitter,
Facebook, Instagram. Bản thân Flappy Bird cũng nhanh chóng có đối thủ: trò chơi
IronPants có luật chơi và hình vẽ gần
giống Flappy Bird. Có lẽ sẽ tiếp tục xuất hiện những trò chơi "nhái"
khác, theo cùng thể loại.
Giới thiết kế trò chơi xếp Flappy Bird vào
thể loại endless runner, trong đó người
chơi phải vượt qua những chướng ngại bất tận cho đến khi... thua. Trò chơi đầu
tiên thuộc thể loại này có lẽ là BC’s
Quest for Tires (tác giả Chuck Benton) phát hành vào năm 1983, chạy trên
máy tính Commodore 64. Trong trò chơi BC’s
Quest for Tires, người chơi phải điều khiển một chàng râu xồm thời tiền sử
chạy xe đạp một bánh bằng đá trong cuộc rượt đuổi bất tận để cứu cô bạn gái bị...
khủng long bắt cóc. Thể loại endless
runner sống lại với trò chơi Canabalt (tác giả Adam Saltsman,
2008). Canabalt cũng tạo ra một chàng chạy "bán sống bán chết", nhảy
từ mái nhà này sang mái nhà khác, hoặc nhảy qua các cần cẩu, như trong phim
hành động.
So với các trò chơi endless runner khác, Flappy Bird đơn giản hơn nhiều, nhưng vì sao
Flappy Bird có tính gây nghiện? Trong bài bình luận "10 reasons why Vietnam-made game Flappy Bird is so ridiculously
addictive", tác giả Đỗ Anh Minh phân tích "10 nguyên nhân khiến
Flappy Bird của Việt Nam có sức thu hút đến mức phi lý", nhằm giúp giới lập
trình trò chơi di động rút kinh nghiệm:
1.
Tạo ra trò chơi thực sự khó. Trong Flappy
Bird, người chơi không dễ đạt điểm cao nhưng đó là điều tốt. Người chơi luôn ưa
chuộng thách thức. Với trò chơi khó, điểm số đạt được có ý nghĩa như một thành
tích, xứng đáng để phô trương.
2.
Tạo ra trò chơi cực kỳ đơn giản. Cũng
như các trò chơi có tính gây nghiện khác, Flappy Bird dễ hiểu đến mức không cần
giải thích luật chơi. Ai cũng có thể nhanh chóng nhập cuộc.
3.
Tạo ra cảm giác "gần thắng".
Người chơi Flappy Bird luôn có cảm giác lần chơi sau nhất định tốt hơn lần trước,
nhất định sẽ hơn điểm người khác sau nhiều lần chơi.
4.
Không buộc trả tiền khi chơi (in-app purchase). Nhiều trò chơi "dụ khị" người chơi tiêu tiền để có nhân
vật đẹp hơn, để trò chơi dễ hơn, có thêm các mức chơi mới,... Flappy Bird không
có các mức chơi với độ khó tăng dần và chỉ thu lợi từ quảng cáo.
5.
Không có hơn ba nút bấm. Mỗi lúc, trên
màn hình Flappy Bird chỉ có ba nút bấm. Trong việc chia sẻ ảnh chụp màn hình
trò chơi, mọi người xem đều dễ dàng nhận biết các lựa chọn trong trò chơi.
6.
Tôn trọng quy luật vật lý. Chú chim
trong Flappy Bird bay và rơi theo cách như có trọng lực tác động. Quy luật vật
lý cũng từng được xem là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của
trò chơi Angry Birds.
7.
Hình thành kỹ năng ở người chơi. Người
chơi phải cảm thấy họ chơi giỏi hơn qua mỗi lần chơi.
8.
Mỗi lần chơi không quá dài. Người chơi
Flappy Bird rất dễ thua, phải chơi lại. Sự lặp đi lặp lại tạo nên thói quen, tạo
nên sự ràng buộc.
9.
Làm cho trò chơi... đáng ghét. Những người
ghét Flappy Bird cũng góp phần quan trọng làm cho Flappy Bird nổi tiếng. Không
ít người muốn tẩy chay Flappy Bird khi không đủ kiên nhẫn để đạt được mức điểm
"hơn người".
10. Không bắt chước các trò
chơi lừng danh. Flappy Bird không hề giống với các
trò chơi Candy Crush, Angry Birds và Clash Of Clans.
Mỗi kinh nghiệm nêu trên đều có lý lẽ nhất
định, nhưng việc vận dụng quy tắc cuối cùng có thể vô hiệu hóa các quy tắc
khác: phải có sáng tạo, thay vì bắt chước Flappy Bird hay Angry Birds.
Angry Bird nổi cáu với Flappy Bird: "Ê, hãy thôi đánh cắp vinh
quang của ta" (tranh vui ở DeviantArt.net).
Nhà thiết kế trò chơi Tadhg
Kelly cho rằng "công thức thành công" có thể không tồn tại vì câu
chuyện thành công thường bao gồm nhiều yếu tố khó đoán định, liên quan đến bối
cảnh, liên quan đến thời điểm. Việc áp dụng "công thức thành công" của
ai đó trong bối cảnh khác, ở thời điểm khác, có thể không hiệu quả. Kelly giễu
cợt: "Từ thành công của Flappy Bird,
tôi đoán rằng sẽ có người đưa ra lý thuyết về trò chơi thành công trên iOS, rằng
đó phải là trò chơi có phong cách xưa cũ và có những con chim, tựa như một số
nhà sản xuất trò chơi cho PlayStation từng tin rằng muốn thành công tại thị trường
Mỹ phải làm trò chơi về Ninja, về ma cà rồng hoặc về bọn Nazi (Đức Quốc Xã). Chuyện
có thực đấy nhé. (...) Có lẽ người ta sẽ mời Nguyễn (Hà Đông) đến một hội thảo
của những người lập trình trò chơi, ở đó Nguyễn sẽ nói rằng trò chơi của anh ấy
thành công do may mắn, như anh ấy đã nhắc lại nhiều lần. Nhiều người trong
chúng ta sẽ ngồi lắng nghe và ghi chép kinh nghiệm, rằng anh ấy đã lập trình hiệu
quả ở Việt Nam và đã có cuộc trò chuyện tốt đẹp với đại diện của Apple vào một ngày
Chủ Nhật. Chúng ta sẽ tin rằng muốn đạt được thành công, phải lập trình trò
chơi tại Việt Nam và làm việc với Apple vào ngày Chủ Nhật...".
Nhận định của Kelly cũng có tính thuyết phục,
nhưng đồng thời đẩy câu chuyện thành công của Flappy Bird vào vùng bí ẩn, không
thể lý giải, không mang đến bài học nào.
Thôi thì cứ hiểu đơn giản: thành công của
Flappy Bird là món quà mà cuộc sống dành tặng cho tác giả, tưởng thưởng cho
lòng kiên trì và niềm say mê. Nhiều năm sau, mọi người sẽ còn nhắc đến sự kiện
"Flappy Bird của Việt Nam" vào năm 2014.
NGỌC GIAO