Thái độ vui vẻ của Quang Anh trở thành tâm điểm của sự tức giận
“Nhục mặt quá Quang Anh ơi!” là câu cửa miệng của các hội anti Nguyễn Quang Anh – quán quân của Giọng hát nhí Việt năm 2013 trên Facebook. Ngọn lửa nóng dần lên bằng bức ảnh chụp hai công văn của Sở Giáo dục-Đào tạo Thanh Hóa và UBND phường Đông Sơn kêu gọi vận động bình chọn cho Quang Anh.
Nguyễn Quang Anh trở thành tâm điểm để đám đông trút tất cả những nỗi bực dọc, thất vọng, thậm chí là sự hằn học phân biệt vùng miền của mình. Tuy vậy, đám đông người lớn đánh "hội đồng" một đứa trẻ 12 tuổi là rất không nên.
Mà đâu chỉ có Quang Anh, một số thí sinh nhí khác, như Vũ Song Vũ, cũng từng bị người lớn "ném đá" trên mạng, chỉ vì em chọn bài hát chưa thật phù hợp.
Sau khi các báo mạng vào cuộc và phê phán hành động ấu trĩ ấy, ngay lập tức trong cộng đồng mạng lại dấy lên một phong trào anti... hội anti Nguyễn Quang Anh. Hàng loạt các trang anti hội những người anti Nguyễn Quang Anh được thành lập, cũng thu hút hàng nghìn lượt like, comment.
Điều ấy khiến số đông những người mới đây vừa lớn tiếng chê bai, thậm chí lăng nhục Quang Anh, có vẻ nhận ra thái độ không đúng của mình. Cộng đồng nầy bắt đầu chuyển sang anti chương trình The Voice Kids, kêu gọi tẩy chay Chương trình Giọng hát Việt nhí và Công ty Cát Tiên Sa.
Từ đó, tiếp tục xuất hiện những bài phân tích, dẫn chứng Ban tổ chức Chương trình Giọng hát Việt nhí và Công ty Cát Tiên Sa lừa khán giả nhắn tin để thu lợi nhuận.
“Bản thân mình không trách gì Quang Anh, mà điều đáng trách ở đây là phải dành cho người lớn, cũng chỉ vì sự vinh hạnh khi có người đại diện cho tỉnh mình nên các ban ngành mới ban hành những công văn, văn bản. Cũng chính vì muốn chương trình thêm hấp dẫn nên biên tập chương trình mới nghĩ ra cách thu hút khán giả. Bởi vậy tính công bằng không bằng những chương trình ở nước ngoài.” - trích comment của Mr Zozo BMT.
“Có vẻ như hình thức bóc lột lao động trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ bằng lao động chân tay nặng nhọc đã xưa rồi. Như thế này mới tinh vi. Vì hiệu quả cao, không chỉ bóc lột tài năng, niềm đam mê, sức lao động của bản thân nó mà còn cả gia đình nó, hàng xóm nó, tỉnh làng nó. Hi vọng mùa sau sẽ có nhiều nạn nhân mới tham gia.” - trích bài đăng của bạn Đức Trung.
Sau bất cứ một cuộc thi nào, cộng đồng mạng cũng thường bùng lên những luồng ý kiến trái ngược nhau về kết quả. Trong một cuộc thi luôn có kẻ thắng, người thua. Do đó, những lùm xùm xung quanh một cuộc thi, trong trường hợp nầy là một trò chơi truyền hình thực tế, là chuyện bình thường, nếu như quả thật cuộc thi ấy "có mùi khê".
Vấn đề đáng nói ở đây là một chương trình của trẻ em mà lộ ra quá nhiều sự toan tính của người lớn, từ đó làm nảy sinh những vấn đề rất “người lớn” mà trẻ em được sử dụng để làm tấm chắn.
Bên cạnh những comment đúng khía, đúng chỗ, vẫn có những comment chỉ để thoả mãn cái tôi ở nhiều cư dân mạng hiện nay.
Khi các thí sinh, như Phương Mỹ Chi, Quang Anh... vẫn hồn nhiên vui đùa với nhau, hình ảnh tuổi thơ trong sáng đó quả thật khác hẳn với những cuộc "đấu khẩu" bốp chát giữa những người lớn ủng hộ (fan người lớn) của các thí sinh nhí. Từ chỗ chỉ trích thí sinh nhí, "cuộc chiến" trở thành gay cấn, thậm chí đầy những lời thô tục được "văng ra", nhằm "dìm" đối thủ... Lúc đó, các trẻ em (thí sinh giọng hát Việt nhí) chỉ còn là... cái cớ, để người lớn trút giận vào nhau.
Thêm vào đó, việc tùy tiện lập Anti page để chê bai, hay nói xấu những điều mình không thích, không hài lòng nay có vẻ đã trở nên quá phổ biến, với hệ luỵ là sự xuất hiện những Anti page của những Anti page… Đó chẳng phải là phủ định của phủ định, mang lại tiến bộ, mà chỉ là vòng xoáy của những "hội nhóm" nhân danh nầy nọ, tuy ngược ý nhau nhưng bản chất háo thắng lại giống hệt nhau. Đáng nói hơn,
vòng xoáy anti và anti-anti Quang Anh lần nầy vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại...
THUỶ LỘC