Ngày 3/4/2015, nhân kỷ niệm 40 năm ngày
thành lập Microsoft (4/4/1975 - 4/4/2015), Bill Gates - người sáng lập công ty
- gửi thư điện tử đến mọi nhân viên:
"Ngày
mai là một ngày đặc biệt: ngày kỷ niệm 40 năm Microsoft.
Trong
những ngày đầu của Microsoft, Paul Allen và tôi đặt ra mục tiêu: một máy tính
trên mỗi bàn làm việc và trong mỗi gia đình. Ngày ấy, đó là ý tưởng táo bạo và
nhiều người đã nghĩ rằng chúng tôi hóa rồ. Thật kỳ diệu khi nghĩ về chặng đường
phát triển của công nghệ thông tin từ ấy đến nay. Tất cả chúng ta đều có thể tự
hào về vai trò của Microsoft trong cuộc cách mạng này.
Dù vậy,
hôm nay tôi nghĩ nhiều về tương lai của Microsoft hơn là quá khứ. Tôi tin rằng
trong mười năm tới, công nghệ thông tin sẽ phát triển với tốc độ nhanh chưa từng
có. Công nghệ thông tin đã tạo ra thế giới nhiều nền tảng (multi-platform) và
thế giới ấy sẽ lan tỏa rộng khắp. Chúng ta đang tiến gần đến điểm mà tại đó máy
tính và rô-bốt có khả năng nhìn, di chuyển và tương tác một cách tự nhiên, mở
ra nhiều ứng dụng mới, tạo thêm nhiều quyền lực mới cho con người.
Dưới
sự lãnh đạo của Satya [Satya Nadella - giám đốc điều hành Microsoft], Microsoft
được đặt vào vị trí tốt hơn bao giờ hết để dẫn dắt sự phát triển vừa nêu. Chúng
ta đang có những nguồn lực và kế hoạch để giải quyết những vấn đề khó nhất.
Chúng ta tham gia vào mọi lĩnh vực của công nghệ thông tin hiện đại và dốc sức
nghiên cứu ở mức sâu nhất. Với vai trò cố vấn kỹ thuật cho Natya, tôi tham dự
nhiều buổi đánh giá sản phẩm tương lai của Microsoft. Tôi thực sự khâm phục tầm
nhìn và tài năng của những người tạo ra các sản phẩm ấy. Thành quả của việc
nghiên cứu cho chúng ta những sản phẩm như Cortana, bộ phiên dịch ngôn ngữ cho
Skype và HoloLens. Đó mới chỉ là một số ít trong những sáng tạo đang được tiến
hành.
Trong
những năm tới, Microsoft có cơ hội để đến với nhiều người dùng hơn, đến với nhiều
tổ chức hơn trên khắp thế giới. Hiện nay công nghệ vẫn còn ở ngoài tầm tay của
nhiều người vì công nghệ còn đắt đỏ hoặc phức tạp, hoặc chỉ đơn giản vì còn nhiều
người không có điều kiện tiếp cận. Vì vậy, tôi mong các bạn suy nghĩ về những
gì mình có thể làm để sức mạnh của công nghệ đến được với mọi người, để có thể
kết nối mọi người với nhau, làm cho mọi người đều dùng được công nghệ thông tin
cho nhu cầu cá nhân, thậm chí làm cho mọi thiết bị đều có thể thực hiện chức
năng của máy tính cá nhân.
Chúng
ta đã cùng nhau đạt được nhiều thành tựu trong 40 năm qua. Chúng ta đã giúp vô
vàn doanh nghiệp và con người nhận thức được toàn bộ tiềm năng của họ. Nhưng những
gì chúng ta làm trong bước tiếp theo mới là điều quan trọng nhất. Xin cảm ơn
các bạn đã và đang giúp cho Microsoft trở thành một công ty tuyệt diệu như ngày
nay và trong nhiều thập niên tới".
Trong bức thư chào mừng ngày thành lập công
ty, Gates không thể không nhắc đến thành tựu đã qua của Microsoft, nhưng ông nhanh
chóng chuyển qua những vấn đề của hiện tại và tương lai. Dù chỉ được đề cập ngắn
gọn, những gì Microsoft đã đạt được thực sự phi thường. Vào năm 1975, rất khó
hình dung tại sao mỗi người đều cần có loại máy giống như máy móc "bí mật"
trong các trung tâm tính toán được bảo vệ kỹ càng. Mỗi người cần tính toán gì,
cần quản lý gì nhiều đến thế cho nhu cầu cuộc sống hằng ngày?
Thập niên 1990 mở đầu thời kỳ cực thịnh của
Microsoft dựa vào hệ sinh thái Windows. Trong thời kỳ mà máy tính cá nhân PC là
thiết bị quan trọng duy nhất của cuộc cách mạng thông tin và Windows chiếm vị
trí độc tôn trên PC, mọi động thái của Microsoft đều nhằm quảng bá Windows. Bộ
công cụ văn phòng Microsoft Office là phương tiện quan trọng nhất để giữ vững
vai trò của Windows. Windows và Office dường như là nguồn lợi vô tận của
Microsoft.

Trụ sở của
Microsoft ở Redmond (bang Washington).
Microsoft cũng nhìn ra rất sớm vai trò của
thiết bị di động. Với việc xây dựng hệ điều hành Windows Mobile có giao diện giống
như Windows trên PC, Microsoft ở tư thế sẵn sàng nắm quyền điều khiển hệ sinh
thái mới. Tuy nhiên, vào lúc iPhone và điện thoại Android xuất hiện, Microsoft
vẫn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của giao diện màn hình cảm ứng. Microsoft
giới thiệu hệ điều hành Windows Phone thích hợp cho màn hình cảm ứng khi hiệu ứng
"hòn tuyết lăn" đã bắt đầu xảy ra đối với iPhone và Android: số lượng
ứng dụng tăng do có nhiều người dùng, số người dùng tăng do có nhiều ứng dụng.
Đến nay, khi những loại thiết bị kết nối với Internet ngày càng đa dạng, hệ điều
hành Android của Google và hệ điều hành iOS (trên iPhone/iPad) của Apple đã trở
nên quan trọng ngang với Windows. Từ nguy cơ phá sản vào năm 1995, Apple nay đã
lớn hơn gấp đôi Microsoft!
Trả lời phỏng vấn cho tạp chí Fast Company
(3/2015), Tim Cook - giám đốc điều hành Apple - nhận định về Microsoft: "Một trong những nguyên nhân đưa đến vấn
đề hiện tại của Microsoft là họ đã không muốn rời xa di sản của mình".
Từ thế mạnh của kẻ chiếm giữ đỉnh cao, Microsoft rơi vào thế phòng thủ, không ở
trong trạng thái sẵn sàng cho việc xuất hiện đỉnh cao khác.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Microsoft
không có khả năng thay đổi. Xứng đáng với lời ca ngợi của Gates trong bức
thư "40 năm Microsoft", giám đốc
điều hành Nadella đã thực hiện một loạt biện pháp để tạo ra "Microsoft mới",
không còn bảo vệ "quyết liệt" Windows như trước. Microsoft không còn
ngần ngại, chậm trễ trong việc cung cấp phần mềm trên các hệ điều hành khác. Office giờ đây là phần
mềm miễn phí trên Android và iOS, nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng
được ưa chuộng nhất trên thiết bị di động. Công cụ Outlook
cho iOS cũng là ứng dụng "nóng", hoạt động rất tốt cho người dùng
Gmail trên iPhone/iPad. Microsoft còn phối hợp với nhiều nhà sản xuất, từ lớn đến
nhỏ, để cài đặt sẵn Office trên thiết bị bán ra. Trong tương lai gần, sẽ có nhiều
ứng dụng khác trên thiết bị Android, iPhone/iPad và cả máy tính Mac nhằm thu
hút người dùng đến với dịch vụ của Microsoft. Microsoft sẽ phát hành đồng thời bộ công cụ Office
2016 trên Windows và trên hệ điều hành Mac OS X (phiên bản Yosemite).

Bill Gates và Satya
Nadella.
Chiến lược của Microsoft nay có phần phức tạp
hơn trước: song song với việc quảng bá dịch vụ của Microsoft trên các hệ điều
hành khác để đến với mọi thiết bị, Microsoft vẫn tiếp tục thực hiện tham vọng mở
rộng hệ sinh thái Windows, vươn tới mọi thiết bị. Windows 10 (sẽ phát hành
chính thức khoảng cuối tháng 8/2015) được giới thiệu như là hệ điều hành dành
cho mọi thiết bị có kết nối Internet, từ thiết bị có màn hình thuộc mọi kích cỡ
đến thiết bị không có màn hình. Điều này thực ra không có nghĩa một phiên bản
Windows duy nhất chạy được trên mọi thiết bị. Chiến lược "một
Windows" thể hiện ở cấu trúc nhất quán của Windows trên mọi thiết bị.
Microsoft đang thiết lập tư duy lập trình ứng dụng mới để những người phát triển
phần mềm quyết định ngay từ đầu chức năng nào, giao diện nào thích hợp cho thiết bị loại nào. Khác
với trước, người lập trình ứng dụng trên Windows nay phải thích nghi ngay từ đầu
với thế giới nhiều nền tảng mà Gates nhắc đến trong bức thư. Người dùng có thể
chỉ mua ứng dụng Windows 10 một lần, để được phép cài đặt từ mạng "một"
ứng dụng Windows 10 trên mọi thiết bị của mình.
Có lẽ chính Windows 10 mới là yếu tố quyết
định Microsoft có còn là công ty tuyệt diệu trong mười năm tới hay không.
NGỌC GIAO