Để kỷ niệm sinh nhật thứ 30 của Macintosh, Công ty Apple thiết
lập trang mạng dành riêng, điểm lại
những thành tựu quan trọng từ sau máy tính Macintosh đầu tiên. Apple cũng tổ chức
cuộc họp mặt mang tên Mac@30 của nhóm dự án Macintosh vào ngày 25/1/2014 tại
trung tâm hội thảo Flint Center ở Cupertino (California), nơi mà Steve Jobs -
người sáng lập Apple - giới thiệu máy tính Macintosh đầu tiên ngày 24/1/1984.
Máy tính Macintosh đầu tiên mang tên Macintosh 128, có bộ nhớ
128 KB, màn hình đơn sắc 9 inch, ổ đĩa mềm 3.5 inch, dùng đĩa cứng ngoài. Máy
được bán với giá 2495 USD. Khi giới thiệu Macintosh ba mươi năm trước, Jobs nhấn
mạnh: "Chúng ta chỉ mới thực hiện những
bước đầu tiên của cuộc đột phá thực sự quan trọng cho phần lớn nhân loại, quan
trọng như việc phát minh điện thoại". Thời gian đã chứng tỏ Jobs không
nói ngoa.
Máy
tính Macintosh đầu tiên (1984).
Steve
Jobs và máy tính Macintosh đầu tiên (1984).

Một
vài thành viên của nhóm dự án Macintosh (1984): George Crow, Joanna Hoffman,
Burrell Smith, Andy Hertzfeld, Bill Atkinson, Jerry Mannock (từ trái qua).
Cuộc họp mặt Mac@30 của những người tạo ra sản phẩm
Macintosh đầy ắp tiếng cười và nước mắt "mừng mừng tủi tủi". Nhóm dự
án Macintosh ba mươi năm trước có hơn trăm thành viên, nay người còn, người mất.
Có những người ở xa, tận Ba Lan, Nam Phi và Úc, cũng về dự cuộc họp mặt. Có cả John
Sculley - nguyên giám đốc điều hành Apple, người từng cô lập Jobs đến mức Jobs
phải rời khỏi Apple.
Dĩ nhiên Jobs không thể có mặt tại Mac@30. Steve Wozniak
(Woz) - người sáng lập Apple cùng với Jobs - và Tim Cook - giám đốc điều hành
Apple - vắng mặt vì bận việc.
Người dẫn chương trình của cuộc họp mặt là Bill Fernandez -
nhân viên thứ tư của Apple - chính là người đã giới thiệu cho Jobs và Woz quen
nhau. Mike Markkula - nhân viên thứ ba của Apple, giám đốc điều hành thứ hai của
Apple - phát biểu: "Thật là vinh dự
lớn lao cho tôi được tham dự cuộc họp mặt kỷ niệm hôm nay. Thế giới ngày nay đã
thay đổi hoàn toàn do phép mầu của giao diện đồ họa từ Macintosh. Thật tuyệt vời
khi ta đóng góp vào sự thay đổi của thế giới".
Các
thành viên của nhóm dự án Macintosh họp mặt tại Cupertino để kỷ niệm 30 năm máy
tính Macintosh (25/1/2014).
Như một nghi thức đặc biệt, Steve Capps - một trong những lập
trình viên đầu tiên trên Macintosh - bật chiếc máy Macintosh đời đầu (hoàn toàn
giống với chiếc máy mà Jobs giới thiệu ba mươi năm trước và vẫn còn hoạt động
được), được đặt trang trọng trên một chiếc bàn phủ khăn.
Steve Hayden - người tham gia thực hiện đoạn phim quảng cáo
"1984" cho Macintosh đầu tiên cùng đạo diễn Ridley Scott - chiếu lại đoạn
phim nổi tiếng ấy cho mọi người cùng xem. Hayden nhớ lại: "Steve Jobs chỉ cho phép chúng tôi dùng sáu từ để quảng cáo
Macintosh. Và chúng tôi đã chọn sáu từ đó là 'Stop the world in its tracks' (chặn
thế giới trên đường chạy của nó)".
Phim "1984" thể hiện đúng mong muốn của Jobs về một
cuộc "lật đổ ". Phim lấy ý tưởng từ tiểu thuyết viễn tưởng Nineteen Eighty-Four: những hàng người
xám xịt, không cá tính, lặng im trước màn hình lớn, lắng nghe diễn thuyết của
lãnh tụ Big Brother (ám chỉ Công ty IBM). Một nữ anh hùng vượt qua đội cảnh sát
bảo vệ, ném chiếc búa tạ vào giữa màn hình, ngụ ý rằng Apple tươi trẻ với
Macintosh sẽ đánh sập "đế chế độc tài" của IBM. Tạp chí Advertising
Age từng xem đó là cảnh ấn tượng nhất trong những phim quảng cáo của thập niên
1980.
Dự án Macintosh khởi đầu tại Apple năm 1979, do Jef Raskin
lãnh đạo. Raskin muốn đặt tên cho loại máy tính mới là McIntosh, theo tên giống
táo do John McIntosh - nông dân ở Canada - phát hiện vào năm 1811. Tuy nhiên,
do McIntosh đã là nhãn hiệu cầu chứng, Apple phải thương lượng để được quyền sử
dụng và viết trại thành Macintosh để phân biệt. Nhóm dự án Macintosh đã từng
tranh luận về việc phát âm tên gọi Macintosh: đọc là Mac-in-tosh hay Mac-kin-tosh?
Cách đọc Mac-kin-tosh đã thắng thế.
Raskin rời bỏ nhóm dự án Macintosh năm 1981 do xung đột ý kiến
với Jobs. Jobs đã cho thực hiện dự án theo tầm nhìn riêng, dựa trên quan sát về
giao diện đồ họa được phát triển tại Công ty Xerox. Macintosh đem khái niệm
giao diện đồ họa của Xerox đến cho mọi người. Thay cho cách giao tiếp bằng dòng
lệnh, qua Macintosh, người dùng máy tính cá nhân lần đầu tiên biết đến cách
thao tác với các biểu tượng bằng con chuột, biết đến thao tác với các cửa sổ
trên một "mặt bàn", biết đến thao tác "kéo thả". Để xóa bỏ
một tập tin, người dùng kéo tập tin, thả vào "sọt rác", tương tự như
thao tác ở bàn giấy. Macintosh là máy tính đầu tiên cho phép làm chế bản điện tử,
là máy tính đầu tiên phát tiếng và nhạc chất lượng cao. Dòng máy Macintosh đã tạo
nên khái niệm máy tính đa phương tiện (multimedia).
Phần lớn người dùng Việt biết đến giao diện đồ họa và máy
tính đa phương tiện qua hệ điều hành Windows trên máy tính PC từ cuối thập niên
1980. PC dùng Windows là "bản sao" của Macintosh.
Giao diện đồ họa theo nghĩa rộng vẫn thể hiện trên máy tính
bảng và điện thoại ngày nay. Theo nghĩa hẹp, giao diện đồ họa gắn với con chuột.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng giao diện đồ họa dùng cửa sổ và con chuột đang trở
nên lạc hậu do sự xuất hiện của màn hình cảm ứng. Muốn điều đó xảy ra, giao diện
mới dùng cho màn hình cảm ứng phải làm tốt hơn mọi việc mà người dùng máy tính
đang làm với cửa sổ và con chuột. Có lẽ điều đó không bao giờ xảy ra và hình ảnh
của Macintosh sẽ vĩnh viễn ở lại trong cuộc sống thường ngày.
NGỌC GIAO